Nhà văn Hà Thủy Nguyên:

Độc giả thích tác phẩm "dễ dãi" cũng là điều dễ hiểu

ANTD.VN - Lý giải về việc vì sao độc giả lại thích đọc những tác phẩm văn học theo kiểu “mỳ ăn liền”, nhà văn, nhà biên kịch Hà Thủy Nguyên - một trong những tác giả trẻ hiếm hoi theo đuổi đề tài dã sử cho rằng, điều này không khó hiểu vì “độc giả thế nào thì tác giả như thế”. 

Tác giả Hà Thủy Nguyên

- PV: Mới đây người ta thấy chị ra mắt tập thơ “Mùa dã cổ” sau một loạt tác phẩm mang tính dã sử, rồi các kịch bản phim truyền hình. Vì sao có việc dấn thân này? 

- Nhà văn Hà Thủy Nguyên: Thực ra tập thơ này được lên ý tưởng từ những năm 2005, cho đến quãng 2014-2015, tôi viết khá nhiều bài rồi lại ngắt quãng. Tôi chỉ nghĩ đơn giản hay mình ra một tập thơ coi như đánh dấu một giai đoạn của cuộc đời. Vậy thôi! 

- Nhiều người nghĩ rằng chị ẩn mình vì đã hứng đủ “gạch đá” từ dư luận, nhất là sau khi bộ phim mà chị là nhà biên kịch - “Vòng nguyệt quế” lên sóng. Lúc đó, chị cảm thấy thế nào?

- Tôi còn nhớ khi bộ phim “Vòng nguyệt quế” lên sóng năm 2008, cứ trung bình mỗi ngày lại có một bài báo phê phán bộ phim. Phim này tôi viết về đời sống của nhà văn, nhà báo… nói chung là tầng lớp trí thức trong nước. Khi phim mới chiếu được 1 tập, có rất đông  nhà văn, nhà báo nhảy vào “ném đá”, họ nói bộ phim sỉ nhục giới trí thức. Nhưng tôi nghĩ rằng phim mới chỉ phơi bày được khoảng 30% những gì mọi người thấy. 

- Có vẻ như chị khá lận đận với sự nghiệp viết lách, nhất là khi cuốn sách thứ hai của chị “Cầm thư quán” cũng bị thu hồi sau khi ra mắt độc giả?

- Khi ra một cuốn sách, tôi thường không tổ chức truyền thông hay sự kiện ra mắt. Vì tôi muốn rằng khi sách ra, độc giả phải đọc sách của mình đã rồi sau đó mới bình luận, khen chê. Thời điểm  “Cầm thư quán” phát hành cũng ít người biết đến nên tôi khá ngạc nhiên vì nó bị thu hồi.

Tôi không cho rằng việc cuốn sách của tôi không đến được với bạn đọc do những vấn đề tôi đề cập quá “mới mẻ” hay do thời thế, vì những tác giả có tiếng trước đây cũng đã viết truyện hư cấu lịch sử nhiều rồi. 

- Một nhà văn trẻ lại gặp phải cú “sốc” như vậy, chị có nghĩ đến việc từ bỏ hay chuyển hướng, không viết văn nữa hay không?

- Lúc ấy tôi cũng từng bị chấn động và phân vân kiểu như tự hỏi: Mình có cần thiết phải viết văn hay không? Vì nói thực, nếu không viết văn, tôi cũng có thể làm nhiều việc khác như truyền thông, biên tập đến viết sách, rồi viết kịch bản phim… Hơn nữa viết kịch bản phim thì được nhiều tiền hơn là viết văn (cười).

Nhưng cứ làm việc gì khác thì tôi lại chán và trong đầu lại nghĩ đến việc viết văn. Tôi “dật dờ” trong một thời gian khá dài. Khi tâm trạng,  tôi lại viết một bài thơ, hay một bài phân tích nhưng không gửi đi đâu cả, chỉ giữ riêng cho mình thôi. 

- Chị có cho rằng độc giả hiện nay dễ dãi không, khi những tác phẩm chất lượng tốt thì im hơi lặng tiếng còn những cuốn sách mang tính thị trường, viết theo kiểu “mỳ ăn liền” thì được độc giả săn đón?

- Tôi cho rằng trong giới văn trẻ vẫn có những người mà họ đau đáu những tác phẩm có giá trị. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng độc giả muốn như thế nào thì đòi hỏi tác giả phải “chiều” như thế.

Việc độc giả thích thú với những tác phẩm “dễ dãi” cũng là điều dễ hiểu. Khi dạy một số lớp cảm thụ văn chương, tôi lấy một số tác phẩm rất dễ hiểu của giai đoạn 1930-1945 nhưng một số em không hiểu được những từ ngữ cơ bản trong đó.

Điều này cho thấy rất khó để đòi hỏi những bạn trẻ phải đọc những tác phẩm được viết bằng ngôn ngữ đẹp, có nhiều ẩn dụ hoặc những văn bản ẩn chứa nhiều tri thức. Một trong những nguyên nhân nữa khiến những cuốn sách dù có giá trị không được độc giả đón nhận, đó là đời sống mà nhân vật trải nghiệm không phải là đời sống mà các bạn trẻ có. Bởi vậy họ không tò mò về những tác phẩm đó.

- Vậy cũng rất khó cho nhà văn lựa chọn xem mình viết cái gì, phải không ?

- Tôi thấy các nhà văn trẻ họ đều có suy nghĩ muốn viết hay thì phải đi theo xu hướng nào đó. Chẳng hạn viết theo một tác phẩm hàn lâm thì phải viết theo trường phái “hậu hiện đại”, hay nếu viết kiểu thị trường thì phải “xách ba lô và đi”.

Những cái đó chỉ là quy chuẩn của truyền thông, còn tôi nghĩ rằng, bất cứ ai cũng có câu chuyện để kể cho độc giả của mình, cái chính là họ có muốn và có dám kể hay không mà thôi.

- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!