Doanh nghiệp quay lưng với bóng đá: Có dám xóa đi làm lại?

ANTĐ - Ngay cả khi các doanh nghiệp quay lưng với bóng đá, V-League vẫn phải tồn tại. Với cương vị nhà quản lý, tổ chức VFF và VPF bằng cách này hay cách khác buộc phải tìm lối thoát cho giải đấu của mình. Nhưng vấn đề là bằng cách nào?

Liệu người trong cuộc có dám thay đổi vì một V-League chuyên nghiệp đúng nghĩa?

Tất cả trong… chế độ chờ

Kế hoạch khai mạc mùa giải mới vào tháng 1-2013 nhiều khả năng không thể thực hiện được. Vấn đề “một ông chủ, nhiều đội bóng” chưa giải quyết và việc xác định tư cách pháp lý các CLB sẽ phải tốn rất nhiều thời gian. Chưa kể, AFC yêu cầu từ mùa giải 2013, các CLB Việt Nam dự V-League phải đạt các tiêu chuẩn chuyên nghiệp. Xét trên thực trạng các CLB hiện nay, để hoàn thành chỉ tiêu trên không phải chuyện một sớm một chiều. Dễ hiểu khi từ nhà quản lý (VFF) đến tổ chức giải (VPF) đều thừa nhận chưa thể ấn định thời gian khai mạc mùa giải mới. 

Trước hàng loạt vấn đề nan giải chưa được giải quyết, Tổng Giám đốc CLB SLNA Nguyễn Hồng Thanh đã nêu ra giải pháp nên hoãn giải 3-4 tháng để phía VPF tìm cách tháo gỡ cũng như để các CLB có thời gian tìm lời giải cho bài toán kinh phí. Trước đó, từng có ý kiến nên hoãn giải vô thời hạn đến khi nào V-League giải quyết hết tồn tại. Theo quan điểm người đề xuất ý kiến này thì nếu để 

V-League phát triển đúng hướng thì việc “hy sinh” một hay vài mùa giải là cần thiết. Thế nhưng, những ý kiến trên đến nay vẫn chỉ dừng ở mức tham khảo, khi tất cả vẫn đang ở chế độ chờ. Phía VFF thì cho rằng còn phải chờ sau khi VPF tổng kết mùa giải cũ và kế hoạch tổ chức mùa giải mới vào ngày 6-10, mới có chỉ đạo cụ thể. Trong khi VPF cũng cho biết đang tổng hợp các ý kiến, giải pháp và sẽ đưa ra bàn luận trong buổi tổng kết sắp tới. 

Có bệnh thì vái tứ phương

VPF cho biết sẽ tung gói hỗ trợ 30 tỷ đồng để giảm gánh nặng tài chính cho các CLB. Thế nhưng, đó chỉ là giải pháp tạm thời, không triệt để. Cũng giống như ý tưởng hoãn giải 3-4 tháng của ông Tổng Giám đốc SLNA, bởi chẳng ai dám chắc sau 3-4 tháng đó, mọi chuyện sẽ khởi sắc. Ở đây, cần phải khẳng định rằng, để xảy ra tình trạng V-League chới với như hiện nay, trách nhiệm trước tiên thuộc về VFF. Và trên hết, chính VFF phải tiên phong trong việc khắc phục hậu quả. Thế nhưng, hầu hết lãnh đạo Liên đoàn khi được hỏi đều đẩy quả bóng trách nhiệm sang phía VPF. Thậm chí, còn đẩy cho cả AFC giải quyết tình trạng “một ông chủ, nhiều đội bóng”. 

Rất nhiều chuyên gia có tâm huyết từng đề nghị VFF tổ chức ngay một cuộc hội thảo, ở đó, tất cả sẽ cùng ngồi lại với nhau để thẳng thắn chỉ ra những hạn chế rồi cùng tìm cách khắc phục. Đó được xem như “phương thuốc” hữu hiệu nhất lúc này, nhưng đáng tiếc lại chẳng được VFF ngó ngàng. Người ta cho rằng, nếu giả sử có một cuộc hội thảo như thế, chắc chắn sẽ có không ít “góc tối” của bóng đá Việt Nam được đưa ra ánh sáng và cùng với đó, không ít chiếc ghế bị lung lay. Có bệnh phải vái tứ phương, huống hồ V-League hiện tại đã chuyển sang trọng bệnh. Người hâm mộ kỳ vọng vào một cuộc hội thảo thực sự trong buổi lễ tổng kết có đủ mặt các bên vào 6-10 tới. Nhưng liệu bản thân người trong cuộc có dám đối mặt để thay đổi, xóa đi và làm lại một V-League thực sự chuyên nghiệp? 

Người trong cuộc nói gì?


TTK VFF Ngô Lê Bằng: VFF không giúp được

Ngoài chức năng tổ chức, VFF còn có nhiệm vụ giúp đỡ các CLB dự giải. Tuy nhiên, nhiều vấn đề, đặc biệt là năng lực tài chính VFF không thể giúp được. Nếu vì lý do nào đó, một đội bóng không thể dự giải thì thật đáng tiếc, nhưng chúng ta buộc phải chấp nhận. Trong bối cảnh kinh tế suy thoái hiện tại, các đội bóng không còn cách nào khác là phải tự vượt khó. VPF hiện có kế hoạch hỗ trợ tài chính cho các CLB từ mùa giải 2013, VFF rất hoan nghênh và ghi nhận. Với các CLB lúc này, một đồng cũng quý. 

TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn: Không hoãn V-League 2013

Hiện tại chưa có ông “bầu” nào chính thức đề cập với chúng tôi họ sẽ bỏ bóng đá, nhưng VPF cũng đã lường trước khả năng này. Quan điểm của VPF là còn bao nhiêu chơi bấy nhiêu, bởi về bản chất số lượng các đội bóng tham dự không quyết định sự tồn tại của giải. Điều quan trọng là chất lượng giải, nói cách khác các đội bóng có đáp ứng tiêu chí chuyên nghiệp hay không. Về thông tin liên quan đến việc hoãn giải, tôi khẳng định: VPF không hoãn, V-League 2013 sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 1-2013. Trong trường hợp số đội tham dự là lẻ (11, 13 đội), VPF sẽ tìm cách bổ sung thêm một đội. Về tài chính, VPF sẽ có gói hỗ trợ 30 tỷ đồng cho các đội từ mùa giải 2013, tùy theo thành tích và mức độ đáp ứng các tiêu chí đề ra.  

Chuyên gia Trần Văn Phúc: Hãy trả bóng đá về cho bóng đá

Việc doanh nghiệp chán nản, muốn từ bỏ bóng đá là hệ quả tất yếu từ cách làm “ăn xổi” của bóng đá Việt Nam thời gian qua và các CLB khó tránh khỏi khủng hoảng. Nhưng ở khía cạnh khác, đó có thể xem như tín hiệu tích cực để chúng ta làm lại, chỉn chu và đúng định hướng chuyên nghiệp. Tôi lấy ví dụ, bóng đá thời bao cấp, chẳng có doanh nghiệp đỡ đầu, giải thưởng, mức giá cầu thủ cũng chỉ ở mức bình thường nhưng sao vẫn chất lượng, khán giả vẫn chen nhau đến sân. Còn nay, cầu thủ nhận tiền tỷ nhưng năng lực chưa tương xứng, các đội bóng quen ỉ lại hầu bao các ông “bầu”, tiêu cực từ đó nảy sinh nhiều. Không còn doanh nghiệp là thiệt thòi, nhưng nếu nhờ đó mà đưa bóng đá Việt Nam về với giá trị thật và làm lại từ đầu cũng là điều đáng mừng. Đã đến lúc cần trả bóng đá về với giá trị thật của nó.