Doanh nghiệp ‘‘ốm” quá, ngân hàng cũng... sợ

ANTĐ - Những ngày này, dư luận đang hết sức quan tâm đến vấn đề thời sự là lãi suất ngân hàng liên tục giảm. Tính đến nay đã gần một tháng kể từ khi Thông tư số 14/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về áp trần lãi suất cho vay với 4 nhóm đối tượng có hiệu lực. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn than rằng không thể tiếp cận được vốn vay với lãi suất thấp từ ngân hàng.
Doanh nghiệp ‘‘ốm” quá, ngân hàng cũng... sợ ảnh 1

Lãi suất thấp chảy vào doanh nghiệp rất hạn chế

Trong một cuộc họp gần đây giữa chính quyền TP. HCM và ngân hàng, có thống kê cho thấy trên địa bàn TP. HCM có hơn 100.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa - đối tượng được khuyến khích tín dụng nhưng hiện chỉ có 650 doanh nghiệp tiếp cận được vốn lãi suất ưu đãi, tức chỉ có tỷ lệ 0,65%. Với một số liệu trên một địa bàn trọng điểm của cả nước như vậy cho thấy rõ ràng dù ngân hàng đang “ứ” tiền, dù DN đang rất khát vốn nhưng vẫn không thể tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng. Đại diện một DN từng giãi bày với người viết rằng thấy trần lãi suất huy động liên tục giảm, công ty đã đến ngân hàng làm việc nhưng kỳ thực khoản vay vẫn là 19%/năm. 

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Thanh cũng cho biết mức lãi suất mà công ty ông đang tiếp cận được là 17-18%. Để được vay với lãi suất thấp, DN phải là khách hàng “ruột” của ngân hàng, có nhiều điều kiện kèm theo như thanh toán hàng xuất khẩu qua ngân hàng đó, các khoản vay phải trên 40 tỷ đồng, tức là chỉ doanh nghiệp lớn mới vay được mức lãi suất thấp, còn doanh nghiệp nhỏ của ông vẫn phải vay với mức cao hơn.

Tại cuộc họp gần đây giữa đại diện NHNN chi nhánh TP.HCM và UBND TPHCM về làm cách nào để doanh nghiệp tiếp cận được vốn, ông Trần Minh Tuấn, Phó Thống đốc NHNN cũng cho rằng để vốn tiếp tục đến với DN thì hiệp hội DN nên đứng ra làm cầu nối để giới thiệu DN với ngân hàng. Hiện tại lãi suất cho vay ở mức 12-14% như các gói cho vay mà các ngân hàng tung ra thực chất chưa đáng kể và lãi vay chủ yếu vẫn trên 16%. Như vậy chính NHNN cũng xác nhận dù rất nhiều ngân hàng “quảng cáo” cho  vay lãi suất rẻ nhưng kỳ thực không phải DN nào cũng đáp ứng đủ điều kiện mà ngân hàng đưa ra và do đó, vẫn phải chấp nhận một mức lãi suất thỏa thuận cao hơn rất nhiều trần lãi suất cho vay.

Oằn lưng trả lãi vay cũ

Nguyên nhân khiến nhiều DN, kể cả những DN nằm trong các nhóm ngành ưu tiên vẫn không thể tiếp cận được vốn mới là do đang bị kẹt với khoản nợ cũ lãi cao, không thể xây dựng phương án kinh doanh tốt để tiếp cận nguồn tín dụng mới. Đại diện một DN cho biết khi công ty mở rộng sản xuất, đầu tư nhà xưởng năm 2007 phải vay ngân hàng với lãi suất 12%. Tuy nhiên từ đó đến nay, lãi suất liên tục tăng từ 12% nhảy vọt lên 24%. Mỗi năm DN phải trả lãi ngân hàng lên tới chục tỷ đồng. Hầu hết lợi nhuận của DN đều phải nộp hết cho ngân hàng.

Gần đây, khi thấy lãi suất liên tục giảm, DN đã đề nghị ngân hàng có thể khoanh nợ, giảm lãi vay cho khoản vay cũ hay không những phía ngân hàng trả lời là không thể do trước đó đã phải huy động mức lãi cao. Nợ cũ chưa được giảm nên ông cũng chưa dám nghĩ đến vay mới dù lãi suất đã hạ rất nhiều. 

Còn ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng đang “căng như dây đàn” để lo hàng tháng có tiền trả lãi nợ cũ. Mặc dù đã liên hệ ngân hàng nhưng công ty ông vẫn chưa thể tiếp cận được vốn giá rẻ, do muốn vay được nợ mới DN phải có phương án trả nợ cũ. Trong tình hình khó khăn hiện nay, dự án dở dang, tiền không thu được, DN thực sự không thể lấy đâu ra phương án kinh doanh tốt như ngân hàng đòi hỏi để xem xét các khoản vay mới. 

Giám đốc chi nhánh của một NHTM ở Hà Nội giấu tên trần tình: Thực tế, sau khi hạ lãi suất nhiều DN đã tìm đến ngân hàng để vay vốn nhưng rất ít DN đáp ứng đủ điều kiện của ngân hàng. Phía ngân hàng không khó khăn gì với DN mà còn mong họ được vay vốn nhiều hơn. Tuy nhiên, các DN cần phải đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định, quan trọng là phải có tài chính minh bạch, có tín nhiệm với ngân hàng. DN đã “quá ốm” rồi thì ngân hàng cũng đành chịu…

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ TP Hà Nội cũng cho biết hiện nay tạm phân loại DN thành mấy dạng như sau: Thứ nhất, DN có chất lượng tài sản và hoạt động tốt nhưng hàng tồn kho cao. Với họ, ngân hàng sẵn sàng cho vay, nhưng vì lãi suất cao nên họ chưa vay.

Thứ hai, DN không tiếp cận được vốn vì chất lượng tài sản xấu, ngân hàng không muốn cho vay vì không đáp ứng được chuẩn tín dụng, chưa kể, lãi suất cao cũng là rào cản khiến họ không thể vay.

Thứ ba, một số khá lớn DN đã thoát được hàng tồn kho, tình hình tài chính lành mạnh nhưng đang đắn đo, nghe ngóng, nhất là kinh tế vĩ mô chưa thoát khỏi tình trạng bất ổn.

Đi tìm giải pháp

Trước tình trạng đã có rất nhiều DN bị phá sản và ngừng hoạt động, hoặc không thể vay được vốn không chỉ vì lãi cao mà còn vì “án” nợ cũ đã trở thành nợ xấu, không đủ điều kiện vay mới (từ nhóm 3 đến nhóm 5), hầu hết các DN đều có ý kiến cho rằng NHNN nên cho phép nới rộng đối tượng được ưu tiên cho vay với trần lãi suất thay vì chỉ 4 lĩnh vực để giúp cho toàn bộ các DN có khả năng tiếp cận lãi suất thấp. Đồng thời cho DN cơ cấu lại các khoản nợ cũ, vay với lãi suất hiện tại thay vì với lãi suất cao như trước. Bên cạnh đó, vấn đề cốt yếu là DN đang bí đầu ra, sản phẩm không bán được, tồn kho lớn, vay vốn khó do định giá BĐS giảm. 

Về phía ngân hàng, nhiều đại diện ngân hàng cũng cho biết, vấn đề lớn nhất của các ngân hàng hiện nay là nợ xấu. Vấn đề này đang được NHNN xem xét xử lý thông qua việc thành lập công ty mua bán nợ quốc gia có vốn 100.000 tỉ đồng. Số tiền trên có thể thu được từ phát hành trái phiếu hút vốn dư thừa của ngân hàng, thực hiện chức năng mua bán nợ xấu, mua bán tài sản đảm bảo nợ xấu để cho các ngân hàng yên tâm cho vay. Và với giá vốn sẽ giảm trong thời gian tới thì việc doanh nghiệp vay được là rất khả thi.

TS.Nguyễn Đại Lai, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cũng đề xuất nhiều giải pháp cụ thể trong đó chỉ có Chính phủ mới có thể cứu được DN. Đó là khẩn trương mua nợ cho các DN có khả năng phát triển nhưng đang mang án nợ xấu, không thể vay được ngân hàng. 

Các chuyên gia kinh tế cũng có chung một nhận định là các DN, nhất là những DN vừa và nhỏ đang lâm bệnh nặng, có thể “chết” bất cứ lúc nào. Vì vậy, Chính phủ cần phải có các “liều thuốc” đủ mạnh và đồng bộ chứ không thể trông chờ vào mỗi “thuốc” ngân hàng. Đồng thời, đây cũng là thời điểm thích hợp để thanh lọc lại DN, DN nào yếu thì cứ để “chết”, tạo điều kiện cho DN khỏe vượt qua khó khăn hiện tại.