Doanh nghiệp “ngại” vay gói hỗ trợ lãi suất vì sợ thanh, kiểm tra: Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo các ngân hàng thương mại, nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% vẫn không tham gia, một phần do lo ngại sau khi nhận hỗ trợ sẽ bị thanh tra, kiểm toán.

Tiêu chí không thống nhất, lo ngại vấn đề hậu kiểm

Về vấn đề này, ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, cho biết, một số khách hàng đã từng trải qua đợt hỗ trợ lãi suất năm 2009 thì hồ sơ, thủ tục hoàn thiện để phục vụ thanh, kiểm tra sau này có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Một số e ngại trường hợp đã hạch toán lợi nhuận, chi cổ tức, trường hợp thanh tra, kiểm toán yêu cầu phải thu hồi thì doanh nghiệp khó cân đối nguồn thu nhập để tra nguồn tiền đã hỗ trợ.

Phó Tổng Giám đốc VietinBank Nguyễn Trần Mạnh Trung cũng cho rằng các tiêu chí mà ngân hàng thương mại đặt ra không thống nhất, có thể không được các đoàn thanh, kiểm tra đồng thuận. Đặc biệt là việc đánh giá mức độ đáp ứng điều kiện hỗ trợ lãi suất được thực hiện tại thời điểm cho vay, giải ngân nhưng do những yếu tố khách quan, chủ quan của khách hàng mà phát sinh nợ xấu.

Đến thời điểm cơ quan thanh, kiểm tra lại đánh giá khách hàng và khoản vay không đáp ứng điều kiện, chương trình và bị yêu cầu thu hồi hỗ trợ lãi suất.

Việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% còn nhiều vướng mắc

Việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% còn nhiều vướng mắc

Theo đại diện các ngân hàng với những khách hàng vay e ngại, không gửi đề xuất giảm lãi suất thì dù ngân hàng có muốn cũng không thể giải ngân nhanh được. Bản thân phía các ngân hàng cũng phải thận trọng, bởi đây là nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, phải đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích.

Hơn nữa, nhiều quy định hướng dẫn triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% chưa rõ, mỗi ngân hàng hướng dẫn một kiểu (ví dụ như quy định khách hàng phải có phương án phục hồi) nên rủi ro cho cả khách hàng và ngân hàng nếu sau này bị thanh tra, kiểm toán.

Quy định rõ ràng bao nhiêu, triển khai thuận lợi bấy nhiêu

Chia sẻ với e ngại của các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp, song lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cho rằng quy định hậu kiểm là một chủ trương đúng đắn nhằm đảm bảo tính minh bạch, tránh trục lợi chính sách. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà Nước cũng cho biết sẽ báo cáo Quốc hội các vướng mắc phát sinh.

Bà Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, NHNN cần phối hợp các Bộ, ngành có liên quan để có những quy định cụ thể hơn, có định lượng trong quá trình thực hiện.

“Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ căn cứ các tiêu chí đã được xây dựng lên, căn cứ vào chuẩn mực quy định của Kiểm toán Nhà nước để thực hiện kiểm toán. Kiểm toán Nhà nước không thể tự xây dựng các chỉ tiêu hay định lượng được”.

Với những nội dung thấy không thể thực hiện được, Kiểm toán Nhà nước cho rằng cần mạnh dạn báo cáo với các cấp có thẩm quyền sớm. Kiểm toán Nhà nước sẵn sàng tổng hợp ý kiến của các NHTM về các khó khăn vướng mắc, tìm nguyên nhân và đề xuất với các cấp có thẩm quyền.

Đại diện Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện sau này, kể cả công tác thanh tra, kiểm tra kiểm toán, chúng tôi chủ yếu bám sát trên cơ sở các quy định. “Vì vậy quy định càng rõ bao nhiêu, thống nhất bao nhiêu thuận lợi cho quá trình triển khai bấy nhiêu. NHNN, các bộ ngành liên quan nghiên cứu xem xét thêm các kiến nghị của các ngân hàng thương mại”.

Liên quan đến cách hiểu khác nhau về tiêu chí "có khả năng phục hồi", đại diện Bộ Tư pháp cho biết đã từng được bàn thảo trước khi đưa ra Nghị định. Theo đó, các ngân hàng thương mại có quyền tự quy định theo khẩu vị rủi ro của mình.

“Các ngân hàng thương mại sẽ hiểu nhất gói cho vay của mình, mục đích cho vay, đánh giá khả năng phục hồi. Trong phạm vi hiểu biết của Bộ Tư pháp, Bộ cũng đồng ý với giải pháp mà chúng ta đưa ra trong Nghị định 31, đó là theo nội bộ của từng ngân hàng thương mại", bà Nguyễn Chi Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế, Bộ Tư pháp nói.

Cam kết bố trí đủ nguồn vốn cho các ngân hàng để triển khai gói hỗ trợ, tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh cần thống nhất các cách hiểu. “Khâu quyết toán là quan trọng, các ngân hàng thương mại quan ngại.

Trong thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp NHNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có giải đáp thống nhất. Nếu không thống nhất, mỗi người hiểu cách khác nhau, kiểm toán thực hiện và Bộ Tài chính là đơn vị kiểm tra cuối cùng để chi ngân sách cũng gặp khó khăn.

Tôi đề nghị rằng, ngay từ đầu chúng ta phải thực hiện rõ ràng, hồ sơ giấy tờ thủ tục đầy đủ để khi quyết toán chỉ cộng trừ con số thôi”, ông Nguyễn Hoàng Dương, Vụ Phó Vụ Tài chính – ngân hàng (Bộ Tài chính) đề nghị.