Doanh nghiệp chỉ phát hành 61 nghìn tỷ trái phiếu, nhưng mua lại trước hạn tới 130 nghìn tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khối lượng mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn trong 7 tháng đầu năm tăng mạnh gấp 1,65 lần so với cùng kỳ năm ngoái và hơn gấp đôi so với khối lượng phát hành.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, lũy kế từ đầu năm đến ngày 21/7/2023, chỉ có 36 doanh nghiệp đã phát hành với khối lượng 61,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu. Con số này giảm 78% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, doanh nghiệp bất động sản có khối lượng phát hành lớn nhất, chiếm 55%, tương đương 33,3 nghìn tỷ đồng. Có 60,91% trái phiếu phát hành có tài sản đảm bảo.

Doanh nghiệp đẩy mạnh mua lại trái phiếu trước hạn trong 7 tháng đầu năm (Ảnh minh họa)

Doanh nghiệp đẩy mạnh mua lại trái phiếu trước hạn trong 7 tháng đầu năm (Ảnh minh họa)

Bộ Tài chính cho biết, kể từ khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (5/3/2023), khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 60,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 99% khối lượng kể từ đầu năm 2023.

Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm 21/7/2023 khoảng 1,03 triệu tỷ đồng, chiếm 10,8% GDP năm 2022, bằng 8,3% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.

Đáng nói, khối lượng mua lại trước hạn từ đầu năm đến 21/7 tăng vọt, gấp 1,65 lần so với cùng kỳ năm ngoái, và hơn gấp đôi so với khối lượng phát hành mới trong cùng thời gian, đạt 130,4 nghìn tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp biến động mạnh do những vụ việc vi phạm pháp luật, đồng thời kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính trong và ngoài nước diễn biến phức tạp, lãi suất tăng, có thời điểm thanh khoản của nền kinh tế gặp khó khăn.

Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt để ổn định thị trường, bao gồm: triển khai đồng bộ các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô; điều hành hợp lý chính sách tài khóa (giảm, giãn, hoãn thuế, hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công); điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt (đảm bảo thanh khoản, giảm lãi suất, tạo thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng, giãn nợ, chuyển nhóm nợ...);

Đồng thời, Chính phủ có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó có thị trường bất động sản; tuyên truyền ổn định tâm lý thị trường; ban hành kịp thời, các quy định pháp luật liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp; thành lập các tổ công tác về ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản để kiến nghị giải pháp ổn định và phát triển thị trường...

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục theo dõi việc thanh toán trái phiếu doanh nghiệp đến hạn, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp có trái phiếu đến hạn lớn và yêu cầu các doanh nghiệp có trách nhiệm đến cùng về việc thanh toán đầy đủ nghĩa vụ trái phiếu cho nhà đầu tư theo điều kiện, điều khoản đã cam kết.