Doanh nghiệp “chấm điểm”

ANTĐ - Lần đầu tiên vấn đề quản lý vĩ mô trở thành một trong ba mối lo ngại nhất của cộng đồng doanh nghiệp tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam năm 2011, do Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Tài chính quốc tế và Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổ chức tại Hà Nội. Báo cáo điều tra môi trường kinh doanh 2011 cho thấy, chỉ số cảm nhận của doanh nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua, trong đó 5 vấn đề ít được cải thiện nhất là: nguồn sở hữu trí tuệ, chống hàng giả, khả năng tiếp cận ngoại tệ, tiếp cận đất đai - nguồn cung lao động và quản lý kinh tế vĩ mô.

Đây cũng là lần đầu tiên cộng đồng doanh nghiệp “chấm điểm” môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Mức điểm bình quân trong năm 2011 chỉ là 2,04 điểm thấp hơn nhiều so với 2,52 điểm trong năm 2010 và gần với mức điểm 1,9 của năm 2008. Trong số các doanh nghiệp tham gia điều tra năm nay, chỉ có 26% doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh Việt Nam ở trạng thái “tốt” và “rất tốt” bằng một nửa so với năm 2010. Cùng với sự gia tăng tỷ lệ doanh nghiệp “chấm điểm” thấp môi trường kinh doanh, còn gia tăng đáng kể số doanh nghiệp thiếu lạc quan về tình hình kinh doanh của năm 2011. Trong năm 2010 chỉ có 4,9% các doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh ở mức độ “kém”, thì năm 2011 tỷ lệ này đã lên tới 23,71%. Đáng quan tâm là, cảm nhận môi trường kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nước ngoài tỏ ra bi quan hơn so với khu vực doanh nghiệp trong nước. Dưới góc nhìn của doanh nghiệp nước ngoài, môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm 2011 chỉ đạt 1,88 điểm, thấp hơn 2,08 điểm của khối doanh nghiệp trong nước.

Hai lĩnh vực bị đánh giá là thấp nhất ở mức độ “kém” và “rất kém” là quản lý kinh tế vĩ mô (1,9 điểm) và khả năng tiếp cận ngoại tệ (1,93 điểm). Nên nhớ rằng, thang điểm tối ưu đánh giá môi trường kinh doanh là 4 điểm, cho thấy thang điểm càng thấp thì việc “chấm điểm” càng phải chặt chẽ và chính xác. Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam thừa nhận, sau nhiều năm chiếm vị trí cao lần đầu tiên quản lý kinh tế vĩ mô được giới doanh nghiệp xếp vào nhóm 3 lĩnh vực đáng lo ngại nhất của môi trường kinh doanh. Điểm đánh giá trong lĩnh vực này là 2,23 điểm, giảm so với 2,55 điểm của năm 2010 và 2,64 điểm của năm 2009. “Điều này phản ánh thực tế là, bất ổn kinh tế vĩ mô đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của giới doanh nghiệp”, ông Chủ tịch nhận xét. Cho dù cảm nhận về môi trường kinh doanh không mấy sáng sủa, song Báo cáo điều tra cũng cho thấy giới doanh nghiệp vẫn kỳ vọng tương đối cao về điều kiện và môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2012 với mức điểm khá cao 2,45 điểm. Bốn động lực quan trọng nhất để giới doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh là: tăng trưởng của thị trường trong nước và khu vực, triển vọng kinh tế Việt Nam thuận lợi, mở rộng thị trường và cải cách do Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó tập trung vào tái cấu trúc đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư thông báo, tháng 1-2012 Chính phủ sẽ thông qua ba đề án tái cấu trúc trên và trình Quốc hội thông qua đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đây là cả một công cuộc quy mô và phức tạp không thể hoàn thành một sớm một chiều. Giới doanh nghiệp hy vọng, từng bước một, môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện đáng kể để họ có thể “chấm điểm”... rộng rãi hơn.