“Đỗ Xuân Oanh, cánh chim Oanh của mùa Xuân Cách mạng”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Đỗ Xuân Oanh, cánh chim Oanh của mùa Xuân Cách mạng”, cuốn sách hơn 300 trang với 20 bài viết của nhiều tác giả, nhạc sỹ, nhà nghiên cứu âm nhạc, nhà thơ, nhà báo trong nước và quốc tế khắc họa chân dung người nghệ sĩ toàn tài người chiến sỹ Cách mạng lão thành sắt son của Việt Nam vừa được gia đình nghệ sĩ và NXB Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành.

Từ trước tới nay, công chúng trong nước thường biết đến một Xuân Oanh là nhạc sĩ, tác giả của ca khúc “Mười chín Tháng Tám”, ca khúc nổi tiếng cùng lịch sử hào hùng của dân tộc. Ông là một trong những thành viên lớp đầu của Hội Nhạc sĩ Việt Nam với nhiều tác phẩm để đời trong và ngoài nước trong nhiều giai đoạn cách mạng, từ những nhạc phẩm trên báo Cứu Quốc ở Việt Bắc cho đến những hợp xướng ở nước ngoài.

Với âm nhạc, ông luôn xem đó là “nghề tay trái” tuy nhiên, với những gì ông đã cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam, nhiều nhà phê bình âm nhạc đưa ra nhận định rằng: “Xuân Oanh cùng những nhạc sĩ cách mạng thế hệ đầu như Văn Cao, Nguyễn Đình Thi… đã sống, đã sáng tạo, đã tận hiến và đã để lại một gia sản dựng lên những cột mốc sừng sững trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Và bước vào bất tử”.

Cuốn sách “Đỗ Xuân Oanh - Cánh chim Oanh của mùa Xuân Cách mạng” hoàn thành đúng dịp kỷ niệm ông tròn 100 tuổi. Sách được thực bởi gia đình ông và NXB Chinh trị quốc gia Sự thật ấn hành

Cuốn sách “Đỗ Xuân Oanh - Cánh chim Oanh của mùa Xuân Cách mạng” hoàn thành đúng dịp kỷ niệm ông tròn 100 tuổi. Sách được thực bởi gia đình ông và NXB Chinh trị quốc gia Sự thật ấn hành

Xuân Oanh cũng là một nhà báo cách mạng thời kỳ đầu của Báo Cứu Quốc, Thông tấn xã Việt Nam, là một trong số hiếm hoi phát thanh viên tiếng Anh đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam, phát đi bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra thế giới. Ông còn là thi sĩ, họa sĩ, dịch giả. Ông cũng hai lần trong đời khoác áo lính thực thi những nhiệm vụ đặc biệt, có thời gian cùng sống với tù binh Mỹ trong Hỏa Lò để sau này, họ trở thành “những người bạn của Việt Nam”.

Cuộc đời của Xuân Oanh còn có những mảnh ghép khác mà dường như ông còn gắn bó quan trọng và ý nghĩa hơn. Ông sớm tham gia hoạt động ngoại giao của nhà nước, tham gia phục vụ phái đoàn đình chiến sau Hiệp định Geneva năm 1954, sau đó là Hiệp định Geneva năm 1962 tại Lào và Hiệp định Paris năm 1973, giúp sức cùng những nhà ngoại giao thế hệ đầu giành thắng lợi to lớn trên mặt trận ngoại giao.

Chân dung tự họa (sơn dầu của cố nhạc sĩ Đỗ Xuân Oanh)

Chân dung tự họa (sơn dầu của cố nhạc sĩ Đỗ Xuân Oanh)

Xuân Oanh là một trong những tấm gương của sự tự vươn lên, vượt qua bao trở ngại từ thân phận của dân nghèo mất nước và trưởng thành trong cuộc cách mạng. Trên đường đời, ông may mắn có người bạn đời- bà Xuân Uyên. Bà sát cánh bên ông trong mọi thăng trầm buồn vui. Từ một tiểu thư đất Hà Thành, bà đã trở thành một nữ chiến sĩ công an nhân dân đầu tiên sau độc lập, hoạt động trên mặt trận tình báo, vượt qua đòn thù tàn bạo của Thực dân Pháp trong nhà tù Hỏa Lò khi vừa tròn 20 tuổi, giữ lòng trung với Bác Hồ, với cách mạng.

Thị Mầu (sơn dầu, Đỗ Xuân Oanh)

Thị Mầu (sơn dầu, Đỗ Xuân Oanh)

Cuốn sách “Đỗ Xuân Oanh - Cánh chim Oanh của mùa Xuân Cách mạng” hoàn thành đúng dịp kỷ niệm ông tròn 100 tuổi. Sách được chia làm các phần chính: “Xuân Oanh, nhà ngoại giao nhân dân xuất sắc”, “Xuân Oanh- người nghệ sĩ tài ba”, “Mùa Xuân còn mãi”. Ở phần này, ngoài các bài viết của chính ông, còn có bài viết của các tác giả như Thomas Wilber, Tom Hayden, Judy Gumbo, Nguyễn Văn Huỳnh, Trần Minh Quốc, Hồng Đăng, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Thị Hồng, Đoàn Ngọc Thu, Bích Ngân…Đó là những bài viết về nhà ngoại giao nhân dân Xuân Oanh trong kháng chiến chống Mỹ, câu chuyện về Hà Nội năm 1965 và còn có cả những hồi ức về nhà ngoại giao Xuân Oanh cùng mối tình vì hòa bình, về gia tài âm nhạc của người nghệ sĩ…Cùng với đó hồi ức của những người trong gia đình như con trai ông, cháu ngoại….

Cuốn sách cũng giới thiệu khá đầy đủ “Một số tác phẩm văn học nghệ thuật của Xuân Oanh.” Ở Phần kết này, độc giả được tiếp cận những bản nhạc - có bản gốc, có bản in lần đầu cách đây gần 8 thập kỷ của nhạc sỹ Xuân Oanh: Mười chín tháng Tám, Quê hương anh Bộ đội, Bài ca Hồ Chí Minh, Bình minh trên đất nước không bao giờ tắt…và cũng trong cuốn sách này, bạn đọc có thể tiếp cận một Xuân Oanh của hội họa với loạt các bức tranh chủ yếu là sơn dầu được ông vẽ trong nhiều thời kỳ.