Đổ xô máy đo nồng độ cồn giá rẻ trên mạng: 'Tiền mất, tật mang'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong khi lực lượng chức năng đang tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn, do lo lắng không ít chủ phương tiện đã đổ xô đi mua máy đo nồng độ cồn về tự kiểm tra để rồi 'tiền mất, tật mang'.

Chỉ cần vào mạng và gõ cụm từ 'máy đo nồng độ cồn', sau vài giây đã có hàng nghìn kết quả hiện ra với những lời chào mời hấp dẫn của bên bán hàng.

Đơn cử như, “chỉ với vài trăm nghìn đồng, bạn đã có thể sở hữu chiếc máy tự đo nồng độ cồn để kiểm tra trước khi tham gia giao thông với kết quả chính xác lên tới 99%”, hay “bán máy đo nồng độ cồn cực chuẩn chính hãng, cho kết quả nhanh chính xác tuyệt đối chất lượng ngoại, giá nội”…

Với ưu điểm nhỏ gọn, dễ sử dụng, thiết bị đo nồng độ cồn tại nhà thu hút sự quan tâm của nhiều chủ phương tiện, đặc biệt là chủ xe ô tô. Điều đáng nói là các sản phẩm đo nồng độ cồn được quảng cáo có giá chênh lệch khá cao, từ vài trăm đến hàng chục triệu đồng với xuất xứ phong phú từ Anh, Ấn Độ, Hàn Quốc đến Trung Quốc… Tuy vậy, loại phổ biến được tìm mua nhiều nhất là loại từ 300-500 ngàn đồng có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Máy đo nồng độ cồn được rao bán trên mạng

Máy đo nồng độ cồn được rao bán trên mạng

Là người đã từng mua máy đo nồng độ cồn trên mạng, anh Đào Mạnh Hưng ở quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ, khi lướt facebook, anh vô tình đọc được thông tin từ một tài khoản rao bán máy đo nồng độ cồn nhỏ gọn có giá 350.000 đồng nên mua về dùng thử.

“Tối hôm trước do có sử dụng bia rượu khá nhiều nên sáng hôm sau, trước khi tham gia giao thông tôi mang máy ra đo thử thì thấy cho kết quả tốt nên yên tâm lái xe về quê. Trên đường đi tôi bị CSGT dừng xe kiểm tra nồng độ cồn thì thấy vi phạm quy định dù ở mức độ nhẹ. Hậu quả là tôi đã bị phạt hành chính. Đúng là tin theo máy rởm dễ mất tiền oan” – anh Hưng thở dài.

Lực lượng chức năng đang tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn

Lực lượng chức năng đang tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn

Về cách nhận biết máy đo nồng độ cồn đảm bảo tiêu chuẩn, Kỹ sư Nguyễn Đức Trung - Đại học Bách Khoa cho rằng, các loại máy đo nồng độ cồn rao bán tràn lan trên thị trường khó kiểm chứng được chất lượng.

Thực tế đã có trường hợp khi uống một chút rượu mà thổi vào những máy này không thấy gì nhưng khi ra đường thổi vào máy chuyên dụng của lực lượng chức năng lại phát hiện có vi phạm.

Bởi, thiết bị đo nồng độ cồn mà các lực lượng chức năng sử dụng là thiết bị hiện đại có công nghệ cảm biến thông qua hơi thở nên cho độ chính xác gần như tuyệt đối.

Mặt khác, Thông tư 07/2019/TT-BKHCN của Bộ KH&CN nêu rõ, phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở có chu kỳ kiểm định là 12 tháng. Máy đo nồng độ cồn đạt tiêu chuẩn phải dán tem kiểm định và còn trong thời hạn giá trị ghi trên tem.

Các thiết bị này phải đáp ứng tiêu chuẩn kiểm định theo văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam ĐLVN 107:2012 của Bộ KH&CN về phương tiện đo hàm lượng cồn trong hơi thở, được cấp chứng chỉ kiểm định như tem kiểm định, dấu kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định theo quy định.

Về sai số, tiêu chuẩn cho phép sai số 0,020 mg/L hoặc 0,004% BAC với kiểm định ban đầu; hoặc 0,032 mg/L hoặc 0,006% BAC với kiểm định định kỳ. Chu kỳ kiểm định phương tiện đo hàm lượng cồn là 1 lần/năm.

Do vậy, trước khi quyết định mua máy đo nồng độ cồn bày bán trên thị trường, mỗi người dân cần thận trọng xem xét kỹ, không nên ham rẻ mua phải sản phẩm kém chất lượng và chỉ nên coi đây là thiết bị để tham khảo, Cách an toàn nhất để không bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn chính là việc nói không với rượu bia khi tham gia giao thông - kỹ sư Trung khuyến cáo.