DN Việt sử dụng công nghệ số: Cần phải "đặt hàng" Luật Hỗ trợ doanh nghiệp

ANTĐ - Mặc dù 95% doanh nghiệp Việt sử dụng internet, 80% sử dụng email, tuy nhiên, có tới 50% doanh nghiệp sử dụng công nghệ thông tin chưa hiệu quả, chỉ có 35% sử dụng dịch vụ hỗ trợ về công nghệ. Đây là những con số được đưa ra sau khảo sát mẫu trên toàn quốc của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI).

Còn nhiều rào cản đối với việc ứng dụng công nghệ số

Có thể giúp tăng doanh số bán hàng gấp 4 lần

Nhìn nhận về tiềm năng ứng dụng công nghệ số của các doanh nghiệp tại Việt Nam, bà Tammy Phan - Giám đốc Đối tác chiến lược và Kênh bán hàng Google APAC cho rằng: “Sau 5 năm trở lại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tôi nhận thấy có sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ số. Riêng tại Việt Nam có khoảng một nửa dân số sử dụng internet, tương đương hơn 45 triệu người”.

Cũng theo đại diện Google, Việt Nam là quốc gia đứng đầu về điện thoại di động, tới năm 2020, cứ 10 người sẽ có 8 người sử dụng điện thoại di động. “Nếu tăng thêm 1% người dùng điện thoại di động sẽ đóng góp hơn 100 triệu USD vào GDP và tạo hơn 140.000 việc làm mới. Vì vậy, các doanh nghiệp đang tính đến khả năng tiếp cận và mang lại giá trị từ internet” - bà Tammy Phan cho hay. 

Đáng chú ý, có tới 70% người tiêu dùng sử dụng công cụ tìm kiếm để tìm hiểu thông tin trước khi mua hàng, đây là công cụ cần thiết trong quyết định mua sắm. Qua nghiên cứu cho thấy, người tiêu dùng tìm kiếm ở nhiều lĩnh vực, dịch vụ khác nhau từ nhà hàng, khách sạn, đồ gia dụng, đồ điện tử... Điều đó có nghĩa các doanh nghiệp kết nối trực tuyến thì khách hàng có thể tìm kiếm dễ dàng hơn.

Ông Kevin O'Kane, Giám đốc phụ trách mảng Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMB), Google châu Á Thái Bình Dương cho biết thêm, rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các doanh nghiệp nhỏ sẽ hoạt động tốt hơn khi họ có một trang web mạnh. Doanh nghiệp có thể tăng doanh số bán hàng gấp 4 lần so với các đối thủ cạnh tranh nếu ứng dụng web và các công cụ số, đặc biệt là trên điện thoại di động.

Nhiều rào cản 

Theo đại diện một công ty kinh doanh trong lĩnh vực máy móc thiết bị và nhạc cụ: “Công ty đã ứng dụng công nghệ vào hoạt động của mình và có hiệu quả tốt. Doanh số từ Google mang đến cho doanh nghiệp khá lớn, tuy nhiên chi phí quảng cáo hàng tháng dành cho Google dù rất lớn nhưng lại không đưa được vào chi phí kinh doanh khi làm việc với cơ quan thuế”.

“Hiện Google cung cấp cho tôi duy nhất là hóa đơn in trực tuyến. Khi mang hóa đơn này tới cơ quan thuế không được chấp nhận, cơ quan thuế hướng dẫn phải có hợp đồng với Google. Tuy nhiên, Google cho biết phải chi tiêu ngân sách khoảng 5.000USD mỗi tháng mới cung cấp hợp đồng”, đại diện doanh nghiệp này cho biết. 

“Chi phí của chúng tôi mới chỉ gần sát 5.000USD. Chi phí thực tế như vậy nhưng lại không đưa vào chi phí hợp lý được khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Hiện chúng tôi vẫn phải “lách luật” để hợp lý hóa chi phí, vì vậy rất mong có một chính sách kịp thời để chúng tôi vận dụng”, đại diện doanh nghiệp này thừa nhận. 

Trước vấn đề được doanh nghiệp nêu ra, ông Joe Ruelle, Giám đốc phát triển kinh doanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Google cho biết: “Lĩnh vực thuế, thuế nhà thầu và những thủ tục kế toán ở Việt Nam là lĩnh vực tôi phải tìm hiểu thêm. Tuy nhiên có thể chia sẻ rằng, phía Google rất nhiệt tình và cũng rất ý thức về vấn đề doanh nghiệp nêu”. 

Trong khi đó, ông Đậu Anh Tuấn (VCCI) cho rằng, đây cũng là câu hỏi “đặt hàng” cho nhóm soạn thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới. Còn ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ, không chỉ có rào cản về hóa đơn thuế mà còn có nhiều rào cản chính sách trong vấn đề áp dụng công nghệ số.

Chẳng hạn về điều kiện kinh doanh, các bộ, ngành yêu cầu doanh nghiệp phải có văn phòng trụ sở chính rộng 10m2 hay 50m2 trở lên nằm ở địa chỉ dễ ra vào. Hay bán hàng phải có kệ giá, sàn nhà phải lau chùi dễ dàng.

“Đây là những tư duy sẽ cản trở rất nhiều đối với công nghệ số, tôi có thể thống kê hàng trăm ví dụ. Vì vậy, Chính phủ và vị trí cá nhân tôi sẽ theo đuổi để giải quyết một cách tốt nhất và trong thời gian sớm nhất”, ông Hiếu nói.

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, ý kiến của doanh nghiệp rất chính đáng. “Rất mong doanh nghiệp trên địa bàn nào thì qua chính quyền địa phương nêu ra những khó khăn nhất của doanh nghiệp để chúng tôi sẽ làm việc với bên thuế. Chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng để có thể sửa trước những vấn đề quá căng thẳng giúp doanh nghiệp không bị vướng”, bà Bùi Thu Thủy nhấn mạnh.