Định vị Huế trên “Con đường di sản miền Trung”

ANTD.VN - Ý tưởng liên kết du lịch ở miền Trung, đặc biệt là ở TP Huế và Quảng Nam, Đà Nẵng được hình thành từ rất sớm, khoảng từ năm 1999, sau khi 2 di sản ở Quảng Nam là đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO ghi tên vào danh mục Di sản văn hóa thế giới vào tháng 12.

Huế luôn được coi là điểm nhấn, là trung tâm của “Con đường di sản miền Trung”

Một sản phẩm tạo nên thương hiệu

Năm 2002, ông Paul Stoll - Tổng Giám đốc Furama Resort ở Đà Nẵng đề xuất với Tổng cục Du lịch Việt Nam một chương trình mang tên “Con đường di sản thế giới”. Chương trình này nhằm liên kết các điểm du lịch ở 3 địa phương là Quảng Nam, Đà Nẵng và TP Huế, tạo thành một sản phẩm du lịch chung, có khả năng thu hút du khách, khai thác hiệu quả hơn tài nguyên du lịch ở 3 địa phương và góp phần phát triển du lịch bền vững ở miền Trung. Thời điểm ấy, xuất phát từ lợi ích lâu dài, đề xuất này của ông Paul Stoll được 3 tỉnh thành phố và Tổng cục Du lịch Việt Nam (nay là Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) triển khai và đã trở thành thương hiệu một thời của du lịch miền Trung.

Năm 2003, khi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, tour du lịch “Con đường di sản miền Trung” được nối dài đến Quảng Bình. Đến năm 2023, tại Hội chợ du lịch quốc tế TP.HCM lần thứ 17 (ITE HCMC 2023), ngành du lịch 5 tỉnh gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng đã gắn kết trong một gian hàng chung “5 địa phương một điểm đến” nhằm giới thiệu những thế mạnh, chương trình, sản phẩm du lịch đặc sắc của 5 tỉnh/thành phố. Sự kiện này đã một lần nữa đã đánh thức và tái khởi động lại tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung” - một sản phẩm đã từng tạo nên thương hiệu của du lịch miền Trung từ hơn 20 năm trước. Cục Du lịch Quốc gia nhận định, hướng phát triển tới là làm mới và bổ sung thêm sản phẩm, dịch vụ để tăng tính độc đáo, phù hợp trong bối cảnh mới.

Hiện tại, trên hành trình khám phá di sản miền Trung không chỉ gói gọn trong 3 địa phương là Đà Nẵng - Quảng Nam - Huế, rồi mở rộng ra Quảng Bình, Quảng Trị mà còn “vươn rộng cánh tay” ra đến các tỉnh Bắc Trung bộ như Thanh Hóa - Nghệ An với nhiều tuyến điểm sản phẩm dịch vụ phong phú, đa dạng, đẳng cấp hơn. Nghĩa là, trong hành trình “Con đường di sản miền Trung” nhiều hãng lữ hành đã xây dựng tour tuyến với điểm khởi đầu bắt nguồn từ thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc) nằm cách TP Thanh Hóa khoảng 50km. Đây là kinh thành của nước Việt Nam từ năm 1398 đến 1407, là công trình kỳ vĩ bởi kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng độc đáo.

Điểm dừng chân thứ 2 là Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) thuộc địa phận các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Tuyên Hóa và Minh Hóa, cách thành phố Đồng Hới 50km về hướng Tây Bắc. Bên cạnh giá trị về lịch sử địa chất, địa hình, địa mạo, vườn quốc gia này còn được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho những cảnh quan kỳ bí, hùng vĩ cùng hệ thống hang động đẹp đến siêu thực trong lòng núi đá vôi được hình thành từ hàng triệu năm trước qua những biến động và kiến tạo địa chất như: động Thiên Đường, động Phong Nha, hang Tú Làn, hang Va và đặc biệt là kỳ quan Sơn Đoòng.

Nằm ở vị trí trung tâm của “Con đường di sản miền Trung”, từ Huế, bằng đường bộ hoặc đường sắt, vượt qua đèo Hải Vân là sang đến Đà Nẵng. Nằm dọc theo chiều dài của núi Hải Vân, ranh giới tự nhiên giữa TP Huế và Đà Nẵng, đèo Hải Vân cách thành phố Huế 80km và cách thành phố Đà Nẵng 20km. Đèo cao 500m so với mực nước biển và có chiều dài khoảng 20km. Được mệnh danh là “Đệ nhất hùng quan”, cung đường đèo này, từng được nhiều tạp chí du dịch danh tiếng trên thế giới công nhận là một trong những cung đường đèo ven biển đẹp nhất thế giới.

Những điểm nhấn của di sản

Mới đây, vào tháng 6-2024, một chuyến tàu kết nối di sản Huế và Đà Nẵng đã được ngành đường sắt thiết kế và đi vào vận hành với mục đích chuyên chở khách du lịch. Trải nghiệm ngắm vịnh Lăng Cô, ngắm toàn cảnh đèo Hải Vân từ cửa sổ của tàu hỏa, đắm chìm trong giọng hát ngọt ngào không tuổi của NSND Thanh Hoa trong nhạc phẩm “Tàu anh qua núi” của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa để biết thế nào là “Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay, qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi” cũng là một trong những điều du khách rất nên trải nghiệm khi khám phá “Con đường di sản miền Trung” này. Từ Huế với những đền đài thành quách lăng tẩm, sang đến Đà Nẵng thì có Bà Nà, bãi biển Mỹ Khê rồi thì bán đảo Sơn Trà…. Qua tới Quảng Nam thì có cảng thị truyền thống Hội An, phố cổ giữ được gần như nguyên vẹn hơn một nghìn di tích kiến trúc như phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ... Các kiến trúc vừa có sắc thái truyền thống của Việt Nam, vừa thể hiện sự giao lưu hội nhập văn hoá với các nước phương Đông và phương Tây, tạo nên một di sản văn hóa vô cùng đặc biệt.

Cách Hội An khoảng 40km tới thánh địa Mỹ Sơn - điểm cuối cùng của “Con đường di sản miền Trung”. Nằm trong một thung lũng bao quanh là núi, thánh địa Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam. Thánh địa có hơn 70 công trình kiến trúc đền tháp chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật được tạo lập trong một thời gian dài suốt 9 thế kỷ và được đánh giá ngang hàng với các di tích nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á.

Sở dĩ, Huế luôn được coi là điểm nhấn, là trung tâm của “Con đường di sản miền Trung” không chỉ vì vị trí địa lý bởi lẽ, bên cạnh việc là thành phố Fesstival, kinh đô phong kiến cuối cùng của Việt Nam, Huế còn đang sở hữu rất nhiều những giá trị đặc sắc khác, không phải địa phương nào cũng có được. Ngày 11-12-1993, Quần thể Di tích Cố đô Huế chính thức được ghi vào danh mục Di sản thế giới của UNESCO, đây là di sản thứ 410 trong danh mục di sản thế giới và là di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam được vinh danh. Ngày 7-11-2003, Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam cũng được UNESCO ghi tên vào Danh mục các kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, cũng là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của nước ta được công nhận.

Cho đến nay, TP Huế là thành phố duy nhất ở Việt Nam cũng như ở khu vực Đông Nam Á có 7 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có 5 di sản của riêng Huế (Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993 - Di sản vật thể), Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam (2003 - Di sản phi vật thể), Mộc bản triều Nguyễn (2009 - Di sản tư liệu), Châu bản triều Nguyễn (2014 - Di sản tư liệu), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016 - Di sản tư liệu) và 2 di sản chung với các địa phương khác (Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt).

Hiện tại, công cuộc bảo tồn Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả rất đáng tự hào: Quần thể Di tích Cố đô Huế - kinh đô của triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam đang từng bước được hồi sinh. Đối với Nhã nhạc, nhiều giá trị cơ bản cốt lõi đã được nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn và phát huy. UNESCO đã từng có nhận định rằng, công cuộc bảo tồn Di tích Cố đô Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Đặc biệt, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy giá trị. duy khoa