Điều kiện mà Thổ Nhĩ Kỳ vừa nêu ra để Thụy Điển và Phần Lan vào NATO là gì?

ANTD.VN -  Tổng thống Erdogan nói Thụy Điển và Phần Lan phải trục xuất hoặc dẫn độ 130 "tội phạm khủng bố" tới Thổ Nhĩ Kỳ, đây là điều kiện để nước này bỏ phiếu chấp thuận cho hai quốc gia này vào NATO.
"Nếu các vị không giao nộp những kẻ khủng bố cho chúng tôi, thì chúng tôi không thể phê duyệt đơn gia nhập NATO tại Quốc hội", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói vào tối 15/1/2023.
"Để điều này được Quốc hội thông qua, trước hết các vị phải giao hơn 100, tức khoảng 130 tên khủng bố này cho chúng tôi", ông Erdogan nói thêm.
Hai quốc gia Bắc Âu đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào năm 2022 sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine..
Tuy nhiên, nỗ lực của họ cần phải được cả 30 nước thành viên liên minh quân sự này chấp thuận. Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary vẫn chưa phê chuẩn điều này.
Trong khi Hungary thông báo sẽ phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển vào đầu năm nay.

"Chúng tôi chưa thể gửi dự luật phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển tới quốc hội để xem xét", Ibrahim Kalin, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày 14/1 nói trong cuộc họp báo ở Istanbul.

Ông Kalin cảnh báo, Thổ Nhĩ Kỳ sắp hết thời gian phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, khi nước này dự kiến tổ chức bầu cử tổng thống và quốc hội vào tháng 5/2023.

Do quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngừng họp một khoảng thời gian trước bầu cử, họ chỉ còn tối đa hai tháng rưỡi để xem xét dự luật phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển.

Ankara cáo buộc các nước Bắc Âu, chủ yếu là Thụy Điển, tài trợ cho những người mà họ coi là khủng bố, bao gồm các thành viên của đảng Công nhân người Kurd (PKK).
Stockholm và Helsinki phủ nhận cáo buộc của Ankara nhưng cam kết hợp tác để giải quyết các mối lo ngại về an ninh.

Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto cho rằng yêu cầu mới nhất của ông Erdogan là phản ứng tức giận đối với vụ người biểu tình treo hình nộm của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tại Stockholm tuần trước.

Sau vụ biểu tình ở Stockholm, Ankara đã hủy kế hoạch chuyến thăm của Chủ tịch quốc hội Thụy Điển Andreas Norlen tới Thổ Nhĩ Kỳ, người sau đó đến thăm Helsinki ngày 16/1.

"Chúng tôi nhấn mạnh người Thụy Điển và Phần Lan có quyền tự do ngôn luận, chúng tôi không thể kiểm soát điều này", Chủ tịch quốc hội Phần Lan Matii Vanhanen nói tại cuộc họp báo chung cùng ông Norlen.

Trong khi đó, Thủ tướng Kristersson của Thụy Điển nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra một số yêu cầu để duyệt tư cách thành viên NATO mà Thụy Điển không thể chấp nhận.

"Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận chúng tôi đã thực hiện những gì mình thông báo sẽ làm. Tuy nhiên, họ yêu cầu những thứ mà chúng tôi không thể và không muốn làm", Thủ tướng Ulf Kristersson ngày 8/1 nói trong hội nghị an ninh ở Thụy Điển.

Trong diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto tái khẳng định nước này sẽ gia nhập NATO cùng lúc với Thụy Điển.

"Phần Lan không vội gia nhập NATO tới mức chúng tôi không thể chờ tới khi Thụy Điển được bật đèn xanh", Ngoại trưởng Haavisto tuyên bố.
Thụy Điển và Phần Lan kết thúc hàng thập kỷ duy trì chính sách không liên kết quân sự và nộp đơn gia nhập NATO vào tháng 5/2022.

Thổ Nhĩ Kỳ đến nay là quốc gia duy nhất còn phản đối, do hai nước Bắc Âu chưa đáp ứng các yêu cầu của họ, chủ yếu liên quan đến lực lượng dân quân người Kurd mà Ankara cho là "khủng bố" và chịu trách nhiệm cho âm mưu đảo chính năm 2016.

Stockholm và Helsinki đã đáp ứng một số yêu cầu dẫn độ của Ankara, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng như vậy là chưa đủ và cần làm nhiều hơn nữa để nước này chấp thuận cho hai quốc gia trên gia nhập NATO.