Điều gì xảy ra khi tiêm kích Su-35 đụng độ F-15EX?

ANTD.VN - Viễn cảnh tiêm kích Su-35 chạm trán F-15EX ngày càng được các chuyên gia quân sự nhắc tới nhiều hơn sau những gì diễn ra gần đây.

Khả năng xảy ra một trận không chiến giữa hai tiêm kích thế hệ 4++ tốt nhất hiện nay là Su-35 của Nga và F-15EX do Mỹ chế tạo có thể sớm trở thành hiện thực.

F-15EX là phiên bản nâng cấp mới nhất của "Đại bàng bất khả chiến bại" F-15 Eagle, khi Không quân Mỹ muốn hiện đại hóa dòng tiêm kích hạng nặng chủ lực của mình nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu chiến tranh hiện đại.

Tiêm kích F-15EX được trang bị radar mạnh mẽ với ăng ten mảng pha quét chủ động (AESA), hệ thống điện tử hàng không và đối kháng tiên tiến, đồng thời tăng đáng kể trọng tải vũ khí khi mang được tới 22 tên lửa so với nguyên bản chỉ là 8 quả.

Dự báo F-15EX sẽ đóng vai trò hỗ trợ tiêm kích thế hệ năm F-35 và F-22 trong biên đội hỗn hợp, vì vậy nhà sản xuất đã phát triển thuật toán mới để truyền dữ liệu. Ngoài ra chi phí vận hành và yêu cầu bảo dưỡng của F-15EX cũng giảm đáng kể so với các phiên bản cũ.

Trong trường hợp Su-35 và F-15EX gặp nhau trên bầu trời, cần nhấn mạnh yếu tố đầu tiên đó là thiết kế của chúng khác nhau rõ rệt, khi tiêm kích Nga nhận nhiệm vụ giành ưu thế trên không, trong khi với F-15EX, điểm mạnh lại là khả năng tấn công mặt đất.

Tiêm kích Su-35 với cấu hình khí động học lý tưởng và động cơ AL-41F1S có kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều (3D TVC) tạo ra ưu thế đáng kể trong không chiến tầm ngắn.

Trong khi đó F-15EX không được tích hợp động cơ có vector lực đẩy, khiến nó mất ưu thế trong không chiến quần vòng, có lẽ chiếc tiêm kích này tỏ ra phù hợp hơn cho những trận không chiến ngoài tầm nhìn.

Ngoài ra Su-35 còn có lợi thế khác, đó là diện tích phản xạ radar (RCS) thấp hơn do cấu tạo từ vật liệu composite đặc biệt, khiến ưu điểm radar AESA trên tiêm kích Mỹ bị giảm sút phần nào.

Một ưu điểm không thể phủ nhận của tiêm kích F-15EX đó là nắm giữ ưu thế lớn về hỏa lực trước đối thủ nhờ mang được tới 22 tên lửa AIM-120D có cự ly tác chiến lên đến 180 km.

Nhưng với Su-35, mặc dù máy bay Nga chỉ mang được 14 tên lửa nhưng lại có tầm bắn vượt trội. Điển hình là tên lửa R-37M có tốc độ tối đa Mach 6 và tầm bắn lý thuyết đạt 400 km.

Như vậy Su-35 có phạm vi tiêu diệt mục tiêu trên không vượt khá xa F-15EX, sắp tới nó còn nhận được tên lửa K-77 tầm bắn 197 km và hệ thống dẫn đường độc đáo với ăng ten hoạt động theo từng giai đoạn, mang lại sức mạnh vượt trội.

Khả năng vận động rất linh hoạt của Su-35 bù đắp một phần trọng tải nhỏ hơn và mang lại cơ hội sống sót lớn hơn đáng kể, phi công có thể né tránh tên lửa đối phương tốt hơn thông qua những động tác thao diễn phức tạp.

Tóm lại, cả Su-35S của Nga và F-15EX do Mỹ chế tạo đều là những chiến đấu cơ hạng nặng thế hệ 4++ tiên tiến nhất hiện nay, sức mạnh của chúng khá tương đồng, nếu có chênh lệch thì cũng rất nhỏ, chưa mang lại ưu thế rõ rệt.

Nếu xảy ra tình huống đụng độ, trình độ của phi công, việc phối hợp với những máy bay khác ngoài biên đội và thậm chí cả may mắn sẽ đóng vai trò quyết định dẫn tới chiến thắng.