Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô: Chuyển biến không gian Hà Nội theo mô hình thành phố xanh, đô thị thông minh

ANTD.VN - Theo Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2045, Hà Nội sẽ trở thành Thủ đô văn hóa, đô thị thông minh, sinh thái, trung tâm tài chính, dịch vụ, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, trung tâm tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ của châu Á và quốc tế. Đặc biệt, Hà Nội sẽ là thành phố xanh và sinh thái với sông Hồng là biểu tượng phát triển.

Mô hình đô thị thông minh, bền vững

Tại Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, liên quan tới định hướng phát triển không gian tổng thể, quy hoạch mới xác định phát triển Thủ đô theo mô hình vùng đô thị lớn, gắn với cấu trúc vành đai và hướng tâm ở khu vực trung tâm và cấu trúc hành lang, tuyến ở khu vực phía Tây, Nam.

Hà Nội cũng sẽ chú trọng phát triển không gian sinh thái tự nhiên dựa trên các tuyến sông Hồng, sông Cầu, sông Đáy, sông Tích, sông Cà Lồ và hệ thống sông hồ trở thành đặc trưng xanh của đô thị, nông thôn

Cùng đó, Hà Nội sẽ phát triển vành đai đô thị đồng bộ, hiện đại theo mô hình gắn kết với giao thông công cộng tại các khu vực có quy hoạch ga đường sắt (gọi tắt là TOD) xung quanh nội đô để thu hút nhu cầu phát triển dân số, lao động; bảo vệ, bảo tồn các giá trị không gian, kiến trúc, cảnh quan, di tích, di sản đô thị - nông thôn hiện có, phát triển thành các giá trị đặc trưng. Hà Nội cũng sẽ chú trọng phát triển không gian sinh thái tự nhiên dựa trên các tuyến sông Hồng, sông Cầu, sông Đáy, sông Tích, sông Cà Lồ và hệ thống sông hồ trở thành đặc trưng xanh của đô thị, nông thôn. Đô thị được quy hoạch phát triển theo mô hình đô thị thông minh, bền vững. Các trung tâm cấp quốc gia sẽ nằm ở phía Nam sông Hồng; trung tâm chức năng quốc tế nằm phía Bắc sông Hồng. Trung tâm chính trị - hành chính quốc gia đặt ở khu vực Ba Đình; trung tâm chính trị - hành chính thành phố Hà Nội tại khu vực hồ Gươm.

Đối với khu vực nội đô, phải thực hiện bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của khu vực phố cổ, phố cũ, các di sản văn hóa, di tích lịch sử, công trình kiến trúc Pháp, khu vực hồ Gươm và phụ cận, khu trung tâm chính trị Ba Đình, khu Hoàng thành Thăng Long, khu vực hồ Tây và phụ cận... trở thành trung tâm văn hóa của Hà Nội; thực hiện các chính sách khuyến khích người dân sinh sống tại khu vực bảo tồn di dời nơi ở, cải tạo khu bảo tồn thành không gian phát triển thương mại, lưu trú phục vụ du lịch, tạo thêm cơ hội việc làm mới. Quy hoạch cũng đề cập việc phát triển mở rộng đô thị trung tâm về phía Tây và phía Nam gắn với trục đô thị theo hành lang Vành đai 4 về phía Bắc tới đô thị Sóc Sơn…

Năm trục không gian quan trọng

Quy hoạch mới xác định Thủ đô Hà Nội sẽ phát triển theo hướng vùng đô thị, đa cực, đa trung tâm, với 5 vùng đô thị gồm: Vùng đô thị phía Nam sông Hồng, gồm khu vực nội đô lịch sử, nội đô lịch sử mở rộng, khu vực mở rộng đô thị về phía Tây và Nam (Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì và một phần thuộc Thanh Oai, Thường Tín); Vùng đô thị phía Đông gồm quận Long Biên, huyện Gia Lâm; Vùng đô thị phía Bắc gồm huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn (dự kiến hình thành thành phố phía Bắc); Vùng đô thị phía Tây gồm thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, trong đó có dự kiến hình thành thành phố phía Tây trong tương lai; nâng loại đô thị thành phố Sơn Tây; Vùng đô thị phía Nam gồm các huyện Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên, có tính đến nghiên cứu thành phố phía Nam trong tương lai.

Cùng đó, 5 trục không gian quan trọng được định hướng gồm: Trục sông Hồng kết hợp với sông Đuống, phát triển là không gian xanh trung tâm của đô thị trung tâm, không gian văn hóa sáng tạo, trục phát triển kinh tế - xã hội và là không gian điểm nhấn biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Thành phố sẽ phát triển đô thị, công viên sinh thái hai bên sông, trị thủy, khai thác giá trị cảnh quan, cảng sông, du lịch hai bên sông.

Trục hồ Tây - Ba Vì, kết hợp đồng bộ không gian Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 6; xây dựng trục kết nối văn hóa Thăng Long - xứ Đoài, kết nối trung tâm Thủ đô với thành phố phía Tây và kết nối các tỉnh lân cận phía Tây, Tây Bắc, vùng miền núi và trung du phía Bắc.

Trục hồ Tây - Cổ Loa là trục kết nối di sản đô thị lịch sử; kết hợp đồng bộ không gian kết nối hồ Tây - cầu Tứ Liên - Cổ Loa. Thành phố sẽ bố trí các công trình văn hóa, triển lãm, công trình biểu tượng dọc trục này, kết hợp với các làng truyền thống, cảnh quan mặt nước và khu di tích thành Cổ Loa trở thành không gian lịch sử và văn hóa đặc sắc trong vùng đô thị phía Bắc. Trục Nhật Tân - Nội Bài là trục phát triển kinh tế, đô thị thông minh, hiện đại (kết hợp đồng bộ với không gian trục Bắc Thăng Long - Nội Bài), kết nối với các tỉnh phía Bắc, Tây Bắc và Đông Bắc, hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, đường xuyên Á, gắn với Cảng hàng không cửa ngõ quốc tế Nội Bài và thành phố phía Bắc.

Trục Nam Hà Nội phát triển mới gắn với trục văn hóa Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính; kết nối di sản Thăng Long - Hoa Lư, gắn với vùng di tích Hương Sơn - Tam Chúc, Cảng hàng không thứ hai Vùng Thủ đô và đô thị Phú Xuyên, đồng bộ với trục Quốc lộ 1A, 1B, đường Hồ Chí Minh, kết nối cao tốc Tây Bắc và các tỉnh phía Nam, tạo không gian và động lực phát triển mới.

Giảm áp lực dân số, ưu tiên công trình công cộng

Đối với khu vực đô thị phía Nam sông Hồng (nội đô và đô thị mở rộng phía Tây - Nam), Quy hoạch mới nêu yêu cầu cải tạo, chỉnh trang, đồng thời với xây dựng, phát triển các khu đô thị mới, các trung tâm đô thị tại khu vực phát triển đô thị mở rộng nhằm giảm áp lực quá tải dân số, hạ tầng cho khu vực nội đô. Cùng đó, cần di dời các trụ sở cơ quan bộ, ngành Trung ương, các cơ sở xuất gây ô nhiễm, cơ sở y tế và các trường đại học, cao đẳng, dành quỹ đất ưu tiên phát triển các công trình phục vụ cộng đồng.

Với khu vực đô thị mở rộng phía Tây và Nam (Đan Phượng, Hoài Đức; Hà Đông, Thanh Trì, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Thường Tín), quy hoạch mới xác định tính chất là trung tâm hỗ trợ khu vực nội đô về nhà ở, dịch vụ thương mại, kinh tế, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, y tế, đào tạo chất lượng cao. Nơi đây, sẽ đề xuất một số khu vực đô thị nén, mô hình TOD tối ưu hóa tầng cao, thiết lập các khu ở hiện đại mật độ cao, tăng quy mô diện tích không gian xanh và các không gian công cộng.

Đối với khu vực đô thị phía Đông (Long Biên, Gia Lâm), thành phố định hướng là “đô thị dịch vụ hỗ trợ thương mại, logistics, y tế, giáo dục”; cửa ngõ logistics phía Đông kết nối hướng biển… Khu vực phía Bắc sông Hồng (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn - có dự kiến phát triển thành phố phía Bắc) được xác định là thành phố dịch vụ, hội nhập quốc tế, kết nối toàn cầu; đầu mối kết nối quốc tế, trung tâm dịch vụ, tài chính, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trong khi đó, khu vực đô thị phía Tây gồm Hòa Lạc, Xuân Mai, Sơn Tây, sẽ có chức năng là trung tâm về khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của quốc gia, trung tâm về dịch vụ du lịch văn hóa và sinh thái của vùng… Khu vực đô thị phía Nam (thuộc các huyện Thường Tín - Phú Xuyên), là cửa ngõ phía Nam Hà Nội, được định hướng phát triển đô thị gắn kết với các đầu mối giao thông như Cảng hàng không thứ hai tại phía Nam, đường sắt tốc độ cao…