Diễn viên truyền thống đang chấp nhận tình cảnh "cưa sừng làm nghé" để làm nghề

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo thống kê của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, số diễn viên trong độ tuổi từ 20 đến 25 ở các đơn vị sân khấu cả nước chỉ chiếm tỉ lệ 5,6%, và từ 25 đến 30 cũng chỉ chiếm 42,3%. Trong khi đó, các cụ xưa vẫn nói "thầy già con hát trẻ", sân khấu biểu diễn là nơi dành cho người trẻ mới cuốn hút, hấp dẫn người xem thì nay lại toàn các diễn viên đã cứng tuổi đảm nhận.

Sáng ngày 22/12 tại Hà Nội, Hội Sân khấu Hà Nội đã tổ chức hội thảo "Vai trò nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu" với sự tham dự của các nhà nghiên cứu, lý luận sân khấu, các đạo diễn, diễn viên, tác giả kịch bản và một số lãnh đạo các nhà hát trên địa bàn Thủ đô.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra thực tế đáng buồn về lực lượng diễn viên cho sân khấu hiện nay-lực lượng chính làm nên linh hồn cho vở diễn. Trong khi truyền hình, điện ảnh đang nở rộ những gương mặt trẻ thì sân khấu lại phải đối mặt với bài toán khủng hoảng diễn viên trẻ, nhất là diễn viên tài năng đủ sức để gìn giữ “ngón nghề cha ông”. Ở Nhà hát Tuồng Việt Nam, phần lớn diễn viên đều đã ngoài 40, 50 tuổi. Trong khi đó, Nhà hát Cải lương Việt Nam có khoảng hơn 30 diễn viên được coi là trẻ thì lượng đào kép chỉ chiếm khoảng 20%. Bất cập dễ nhận thấy là tồn tại tương đối nhiều những diễn viên đã hết tuổi làm nghề nhưng chưa đến tuổi về hưu. Cho nên xét về chỉ tiêu, các đơn vị cơ bản vẫn đủ người, song thực tế khan hiếm đến mức báo động nguồn nhân lực sung sức. Ngay với các cuộc thi tìm kiếm tài năng sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, Nhà nước cũng buộc phải đưa ra quy định về độ tuổi thí sinh tham dự là dưới 33, là lứa tuổi mà ở loại hình nghệ thuật nào cũng không còn được coi là trẻ.

Hội thảo vừa diễn ra sáng ngày 22/12 tại Hà Nội

Hội thảo vừa diễn ra sáng ngày 22/12 tại Hà Nội

NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội nhận định, hầu hết các đơn vị khi nhận diễn viên mới phải mất thời gian đào tạo lại và diễn viên cũng vì thế mất đi vài năm thanh sắc. Ngay bản thân ông ngày trước bắt đầu nhận vai chính đầu tiên năm 17 tuổi, độ tuổi “sung” nhất về thanh sắc, cảm xúc. Nhưng bây giờ, diễn viên tốt nghiệp ra trường đã 22, 23 tuổi, nhận về nhà hát phải tập sự vài năm, đến khi được vào vai đào chính, kép chính thì cũng bớt đi nhiều sức hấp dẫn. Lực lượng biểu diễn vừa thiếu, vừa yếu cho nên nhiều vở phải chấp nhận tình trạng “cưa sừng làm nghé”, để các diễn viên trên dưới 40 tuổi đảm nhận vai diễn… tuổi 20. Cũng bởi vậy mà con thuyền sân khấu nước nhà càng tròng trành hơn trên con đường chinh phục khán giả.

Cũng theo NSND Trần Quốc Chiêm, các tài năng sân khấu, nhất là của kịch hát truyền thống đang bị “chảy máu” sang ngành nghề khác, ngay cả khi được Nhà nước giảm tới 70% học phí cùng nhiều ưu đãi. Trong khi theo học chuyên ngành điện ảnh, truyền hình phải đóng toàn bộ học phí, làm bài tập tốn kém nhưng thí sinh thi vào lại chen chân nhau thi vào. Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam... nhiều năm qua luôn không tuyển đủ chỉ tiêu số lượng diễn viên.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thực trạng này được bắt nguồn từ tình trạng khó khăn của sân khấu truyền thống những năm qua, nhiều đơn vị không thể có nguồn thu để trả lương tối thiểu cho nghệ sĩ hợp đồng. Từ đây dẫn đến hiện tượng nghệ sĩ trẻ, dù được học hành đào tạo bài bản về sân khấu truyền thống, vẫn từ bỏ sở trường để đến với hoạt động giải trí thời thượng, vừa nhanh nổi tiếng vừa dễ có thu nhập cao như đóng phim truyền hình, làm YouTube, kinh doanh trên mạng, tham gia các gameshow... Không ít nghệ sĩ dù đã có thời gian gắn bó với nghề, rất tâm huyết muốn bám trụ sân khấu truyền thống nhưng vì miếng cơm manh áo vẫn phải dứt áo ra đi. Việc “chảy máu” nguồn nhân lực trong sân khấu truyền thống vốn đã là một thực tế đáng lo ngại, giờ thêm “cú bồi” của dịch bệnh khiến các nhà quản lý tâm huyết dù cố gắng xoay xở nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết.

Để giải quyết tình trạng này, NSND Thanh Trầm-nguyên Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội cho rằng, với bộ môn nghệ thuật truyền thống luôn cần phải có những chính sách và sự bảo trợ của Nhà nước. Một trong những lý do chính mà sinh viên đến với ngành ngày càng ít là ngoài việc cần có một sự kiên trì để trải qua quá trình học tập bài bản thì cơ hội để tìm kiếm được một công việc tốt, thu nhập cao vẫn là một điều khiến người theo học nghệ thuật truyền thống khó đạt được. Để thay đổi điều này, cần có chiến lược bài bản cũng như sự quan tâm, đầu tư của các cấp quản lý. Và trên hết, giáo dục thẩm mỹ, nghệ thuật phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc, mới mong cải thiện và thu hút lớp trẻ ở những thế hệ sau.

Cùng quan điểm với NSND Thanh Trầm, TS. Trần Thị Minh Thu (Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam) một lần nữa khẳng định, sân khấu muốn phát triển, không thể thiếu vai trò của nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ tài năng. Để có được đội ngũ nghệ sĩ hùng hậu, tài năng, hấp dẫn khán giả, sân khấu rất cần có những chính sách hợp lý trong việc phát hiện, thu hút, khuyến khích, động viên các nghệ sĩ trẻ đến với nghề; có những giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng bồi dưỡng, đào tạo; có những cơ chế đặc thù hiệu quả giữ chân các tài năng trẻ để các em tiếp tục bám nghề, giữ nghề, nhất là đối với sân khấu truyền thống trong cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế hiện nay.

PSG.TS Trần Trí Trắc đóng góp giải pháp để tháo gỡ khó khăn về lực lượng diễn viên cho sân khấu truyền thống hiện nay. Theo ông Trần Trí Trắc, muốn có một nền sân khấu tự chủ “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” thì trước hết phải chăm lo cho con người nghệ sĩ. Bởi nghệ sĩ là trung tâm của nghệ thuật sân khấu, mà trung tâm ấy bị non yếu, thì cả nền sân khấu sẽ non yếu theo... Do đó, mọi việc chấn hưng cho nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam hôm nay, thì trước hết, là chấn hưng nghệ thuật biểu diễn và người nghệ sĩ.