Điện thoại Cảnh sát khu vực “nóng máy” vì những cuộc gọi xác minh lừa đảo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau khi Công an phường Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) triển khai đẩy mạnh tuyên truyền các thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao, điện thoại của Cảnh sát khu vực thường xuyên rơi vào tình trạng “nóng máy” bởi những cuộc gọi xác minh.

Thống kê của Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, từ 15-12-2022 đến 15-3-2024, đơn vị đã tiếp nhận 183 đơn trình báo về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Tổng số tiền người dân bị lừa lên tới hơn 47 tỉ đồng.

“Chúng tôi rất sốt ruột trước tình trạng người dân bị tội phạm công nghệ cao lừa đảo ngày càng tinh vi và phức tạp. Các đối tượng này thậm chí còn chạy các bài quảng cáo trên các trang mạng xã hội giả danh Cục An ninh mạng, công ty Luật, cơ quan Công an, đánh vào tâm lý lo lắng của người dân bị mất tiền mong muốn nhanh chóng tìm lại được.

Song, đây thực chất là chiêu trò và có thể khiến nạn nhân bị mất tiền nhiều lần. Chính vì vậy, việc triển khai tuyên truyền đến từng người dân được Công an phường triển khai quyết liệt..” - Thiếu tá Lê Văn Thinh, Trưởng Công an phường Lý Thái Tổ cho biết.

Nội dung tuyên truyền "2 không" của Công an phường Lý Thái Tổ được Cảnh sát khu vực gửi người dân vào mỗi buổi sáng đi kèm số điện thoại để xác minh

Nội dung tuyên truyền "2 không" của Công an phường Lý Thái Tổ được Cảnh sát khu vực gửi người dân vào mỗi buổi sáng đi kèm số điện thoại để xác minh

Cũng theo Chỉ huy Công an phường, cứ 10 người lại có 6-7 người nhận được các cuộc gọi lừa đảo của tội phạm công nghệ cao và với những chiêu thức, thủ đoạn tinh vi, biến đổi liên tục nên người dân khó có thể nắm bắt hết được.

Điện thoại Cảnh sát khu vực “nóng máy” vì những cuộc gọi xác minh lừa đảo ảnh 3

Bất cứ lúc nào khi đi thực hiện nhiệm vụ, Cảnh sát khu vực cũng sẽ mang theo những tờ tuyên truyền nội dung cảnh báo thủ đoạn của tội phạm để trao đổi với người dân

Trước tình hình trên, Công an phường Lý Thái Tổ đã triển khai tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhưng chú trọng việc tổ chức các buổi nói chuyện, chia sẻ trực tiếp với người dân tại các tổ dân phố, khu dân cư, trụ sở các văn phòng đóng trên địa bàn.

“Chúng tôi tổ chức ngay ngoài đường và yêu cầu lực lượng Cảnh sát khu vực vào từng nhà mời bà con ra nghe. Thông tin truyền tải trước đó đã được Công an phường phối hợp với Đội Cảnh sát hình sự Công an quận biên tập một cách ngắn gọn, xúc tích, đơn giản, dễ hiểu, dễ nắm bắt” - Thiếu tá Lê Văn Thinh thông tin thêm.

Công an phường tổ chức tuyên truyền trực tiếp đến người dân ở từng khu dân cư

Công an phường tổ chức tuyên truyền trực tiếp đến người dân ở từng khu dân cư

Với kế hoạch này, lực lượng Cảnh sát khu vực đóng một vai trò hết sức quan trọng. Đây là lực lượng gần dân, có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân nên mỗi cán bộ Cảnh sát khu vực phải nắm rất rõ các thủ đoạn của tội phạm lừa đảo công nghệ cao để tuyên truyền, nhắc nhở người dân với nguyên tắc “2 không”: “Không nghe các cuộc điện thoại từ người lạ; Không làm theo bất cứ hướng dẫn nào thông qua điện thoại”.

Mỗi Cảnh sát khu vực lại phụ trách nhóm Zalo tổ dân phố do mình theo dõi, quản lý, do vậy, vào mỗi buổi sáng sẽ gửi tin nhắn cảnh báo đến các nhóm. Công việc này được xem như cơm ăn, nước uống hàng ngày của mỗi cán bộ chiến sĩ Công an phường Lý Thái Tổ. Và trong trường hợp người dân nhận được các cuộc gọi lạ, việc đầu tiên là sẽ gọi điện thoại cho Cảnh sát khu vực để xác minh.

Bởi thế, điện thoại của Cảnh sát khu vực Công an phường Lý Thái Tổ thường xuyên trong tình trạng “nóng máy” bởi những cuộc gọi của người dân. Nhưng đối với mỗi cán bộ chiến sĩ phụ trách, đây chính là niềm vui, cho thấy hiệu quả của việc tuyên truyền trực tiếp.

Không chỉ gọi điện thoại xác minh, các nhóm Zalo cũng luôn "nóng" với những câu hỏi của người dân

Không chỉ gọi điện thoại xác minh, các nhóm Zalo cũng luôn "nóng" với những câu hỏi của người dân

“Hiệu quả thấy rõ nhất chính là việc tăng tương tác của bà con. Như vậy sẽ hạn chế được các rủi ro liên quan đến tội phạm công nghệ cao” - Đại úy Lê Hữu Đức, Cảnh sát khu vực Công an phường Lý Thái Tổ nói.

Như trường hợp của chị V.T.P., SN 1975, trú tại phường Lý Thái Tổ. Chị này nhận được cuộc gọi của đối tượng giả danh cán bộ Công an phường đề nghị cập nhật thông tin trên VNeID thông qua đường link. Ngay sau đó, chị Phương đã liên hệ với Cảnh sát khu vực để xác minh, khi biết đó là giả mạo, chị thấy rất nhẹ nhõm vì không “sập bẫy” của tội phạm.

Hai trường hợp khác là chị T.T.C., SN 1980 và ông L.B.C., SN 1969 cũng nhận được các cuộc gọi hướng dẫn cài đặt, cập nhật và thay đổi thông tin trên VNeID. Tuy nhiên, do đã được hướng dẫn nên những người này lập tức xác minh qua Cảnh sát khu vực Công an phường Lý Thái Tổ và tránh được “bẫy” lừa của đối tượng lừa đảo công nghệ cao.

Hy vọng, những nỗ lực này sẽ như một đòn đánh trực diện vào tội phạm, đảm bảo an toàn tài sản cho người dân

Hy vọng, những nỗ lực này sẽ như một đòn đánh trực diện vào tội phạm, đảm bảo an toàn tài sản cho người dân

Thiếu tá Lê Văn Thinh còn cho biết thêm, bên cạnh tuyên truyền phòng ngừa tội phạm lừa đảo qua mạng, đơn vị cũng bổ sung các nội dung tuyên truyền như phòng ngừa trộm cắp, hướng dẫn an toàn PCCC, đảm bảo TTĐT và VSMT.

“Mục tiêu của Công an phường Lý Thái Tổ là mỗi cán bộ chiến sĩ phải là một tuyên truyền viên, có trách nhiệm thông tin đến từng người dân, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần tự giác chấp hành quy định của pháp luật, cũng như khả năng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra cho mỗi người” - Chỉ huy Công an phường nhấn mạnh.