Diễn biến mới của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em

ANTĐ - Trong 5 năm (2011-2015), cả nước xảy ra trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với 9.920 nạn nhân, tăng thêm 258 trẻ em so với giai đoạn 5 năm trước đó, trong số vụ xâm hại tình dục chiếm tới 65%. Đó là những con số được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây chỉ là phần nổi trong tảng băng chìm khổng lồ về tình trạng xâm hại trẻ em nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng. 

Diễn biến mới của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em ảnh 1

Đối tượng phạm tội là người quen biết

Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Bộ Công an, mỗi năm trung bình có 1.600 đến 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, với số lượng năm sau cao hơn năm trước. Trong đó, số trẻ em bị hiếp dâm chiếm đến 65%, số trẻ bị xâm hại tình dục (XHTD) nhiều lần chiếm hơn 28%. Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết tình trạng xâm hại trẻ em ngày càng phức tạp. Có vụ trẻ em bị hiếp dâm khi còn rất nhỏ, có em bị hiếp dâm nhiều lần trong khoảng thời gian dài.

Các loại tội phạm như bắt cóc, mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em, tổ chức cho trẻ em sử dụng ma túy, mại dâm… ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, các con số thống kê trên chưa phản ánh được hết mức độ phức tạp của tội phạm XHTD trẻ em. Theo Đại tá, PGS.TS Nguyễn Minh Đức, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện Cảnh sát nhân dân thì XHTD trẻ em là một dạng tội phạm ẩn tương đối lớn, những con số được thống kê chỉ là những vụ việc được phát hiện.

Trong khi đó, đa phần các em bị xâm hại có hoàn cảnh khó khăn, không được quan tâm đầy đủ, bị đẩy ra ngoài xã hội, làm thuê làm mướn, gia đình tan vỡ phải ở với bố dượng, người quen hay được nhận làm con nuôi… Vì vậy, khi bị xâm hại một phần không có người chia sẻ, một khác do mặc cảm nên không tố cáo. 

Đa phần những vụ việc được phát hiện, đối tượng gây án là người quen biết, thậm chí là người thân với nạn nhân đã lợi dụng, dụ dỗ hoặc đe dọa để thực hiện hành vi phạm tội, trong khi bản thân nạn nhân còn nhỏ tuổi, không có khả năng tự bảo vệ hoặc chưa có ý thức về việc bị xâm hại. Đại tá, PGS.TS Nguyễn Minh Đức cho biết, có khoảng 90% số vụ XHTD trẻ em đối tượng phạm tội là những người thường xuyên gần gũi, quen biết (người quen của bố mẹ, hàng xóm, họ hàng, thầy giáo, thậm chí là bố dượng, bố đẻ…).

“Dưới góc độ tội phạm học, chúng tôi gọi là thuyết gần gũi. Với những đối tượng này, trẻ em thường rất tin tưởng, vô tư, không nhận thức được những nguy cơ nên rất dễ bị lợi dụng. Tội phạm XHTD trẻ em trong những trường hợp này thường có hai loại, một loại đã có âm mưu từ trước, một loại do bộc phát không làm chủ được bản thân vì sử dụng rượu bia, chất kích thích, xem các văn hóa phẩm đồi trụy…”, Đại tá Nguyễn Minh Đức nhận định.

Bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân

Để xảy ra tình trạng này, ngoài nguyên nhân từ hệ thống pháp luật, chính sách chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em chưa hoàn thiện… còn xuất phát từ các nguyên nhân khách quan khác như mặt trái của kinh tế thị trường, hiện tượng di dân tự do từ nông thôn ra thành thị, tình trạng phim ảnh đồi trụy trên Internet… đã tác động trực tiếp đến đời sống của từng cá nhân, gia đình. Một bộ phận thanh, thiếu niên hiện nay có lối sống thực dụng, buông thả, thích đua đòi ăn chơi và suy thoái về đạo đức dẫn đến các hành vi phạm tội nhằm thỏa mãn nhu cầu dục vọng.

Việc trẻ thiếu kiến thức tự bảo vệ mình cũng là một nguyên nhân của tình trạng XHTD trẻ em. Ở nước ta, việc tuyên truyền, giáo dục giới tính cho trẻ từ phía gia đình, nhà trường và xã hội còn hạn chế, hình thức tuyên truyền không sinh động, khéo léo khiến khả năng tiếp nhận của trẻ em về vấn đề này chưa đầy đủ. Nhiều bậc phụ huynh luôn nghĩ con mình còn nhỏ, chưa đến tuổi để đề cập đến những vấn đề giới tính dẫn đến sự chủ quan khiến trẻ em thiếu kỹ năng tự vệ.

Ngoài ra chính các bậc phụ huynh cũng thiếu hiểu biết, quá vô tư nghĩ rằng con mình đang sống trong môi trường an toàn tuyệt đối nên không cảnh giác. Một số nguyên nhân khác khiến trẻ em dễ bị lợi dụng xuất phát từ cuộc sống đầy đủ hơn dẫn đến nhiều em gái lớn trước tuổi trong khi nhận thức vẫn còn non nớt, dễ bị lợi dụng. Những trẻ em tâm thần không có khả năng tự vệ cũng nằm trong diện dễ trở thành nạn nhân của những đối tượng phạm tội. 

Nhà nghỉ, Internet tiếp tay cho tội phạm XHTD trẻ em

Trong một nghiên cứu thăm dò của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đối với trẻ em 10-18 tuổi thì có tới 49% trẻ em và vị thành niên được hỏi cho biết đã tiếp xúc với nội dung khiêu dâm trực tuyến, chủ yếu là do tình cờ. Ông Đỗ Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng nguy cơ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng ngày càng rõ rệt, trong đó Việt Nam là nước có số lượng người truy cập mạng xã hội lớn trên thế giới. Ngoài nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng các bí mật đời tư, thông tin cá nhân, bóc lột, lừa đảo… thì xâm hại tình dục trẻ em  cũng rất phổ biến.

Theo Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, các loại hình tội phạm trước đây đang dịch chuyển dần sang phương thức thủ đoạn mới có sử dụng công nghệ cao, như phát tán phim, ảnh khiêu dâm trẻ em qua mạng; đe dọa, tống tiền, lợi dụng Internet để làm quen và xâm hại trẻ em… Từ năm 2010 đến nay, mỗi năm Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nhận được hàng chục đề nghị từ cảnh sát quốc tế về việc phối hợp điều tra, xác minh vụ việc liên quan đến tội phạm lạm dụng tình dục trẻ em trên mạng Internet.

Việc truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy trên các website, diễn đàn trong những năm gần đây ngày càng tăng nhanh chóng. Bọn tội phạm thường thành lập, tham gia các diễn đàn chia sẻ phim, ảnh đồi trụy trẻ em qua mạng Internet, tổ chức các buổi gặp gỡ thành viên tại nhà riêng, quán game… để làm quen, lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc trẻ em tham gia vào hoạt động vi phạm pháp luật như mại dâm, sử dụng, mua bán chất ma túy, trộm cắp hoặc ép buộc trẻ để thực hiện hành vi xâm hại…

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Minh Đức cho rằng việc quản lý thông tin trên Internet ở ta còn nhiều bất cập. Ở nhiều nước trẻ dưới 18 tuổi sẽ bị chặn khỏi những trang web “người lớn”, còn ở nước ta trẻ không được bảo vệ trước những thông tin độc hại. Trong khi đó, những hình ảnh, thông tin, khiêu dâm không chỉ được đăng ở những trang lá cải mà không ít tờ báo chính thống cũng coi đó như một cách để câu khách. Vì vậy, không ít trẻ đã tự biến mình thành nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục do tò mò trước những thứ đọc được trên mạng.

Thêm vào đó, việc quản lý các nhà nghỉ ở nước ta còn lỏng lẻo. Ở nhiều nước có quy định cấm chủ nhà nghỉ cung cấp dịch vụ cho trẻ em, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng. Còn ở nước ta, cũng đã có quy định về vấn đề này nhưng vì lợi nhuận nên hầu hết chủ các nhà nghỉ đều không thực hiện, nếu có phát hiện được thì chế tài xử lý hành chính cũng rất thấp. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều đối tượng thường lợi dụng đưa trẻ em đến nhà nghỉ để lạm dụng tình dục hay những đứa trẻ thuê nhà nghỉ để sống bầy đàn, quan hệ tình dục bừa bãi… 

XHTD trẻ em nam hiện nay cũng là vấn đề nhức nhối, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Bộ luật Hình sự sửa đổi mới đây đã cụ thể hóa một số điều liên quan đến tội phạm XHTD trẻ em, nhưng chưa tách riêng hành vi XHTD trẻ em nam, chưa có tội hiếp dâm trẻ em nam. Vì vậy, Việt Nam vẫn đã và sẽ trở thành địa điểm để các đối tượng, trong đó có cả người nước ngoài chọn làm nơi thực hiện các hành vi XHTD trẻ em nam.