Điểm hẹn không gian âm nhạc

ANTĐ - Phòng trà ca nhạc là một hình thức biểu diễn và thưởng thức âm nhạc, các khán giả tới phòng trà để nghe ca sỹ hát. Phòng trà ca nhạc hiện diện đầu tiên ở Hà Nội sau khi tân nhạc xuất hiện. Và đến nay, phòng trà ca nhạc vẫn là một nét chấm phá quan trọng, một điểm hẹn âm nhạc cho không gian văn hóa của Thủ đô thêm sắc màu.

Năm 1946 tại Hà Nội, trong ký ức của nhiều người dân Thủ đô lẫn trong giới văn nghệ sỹ thì phòng trà ca nhạc đầu tiên là Quán Nghệ Sỹ nằm trên đường Bờ Hồ chính thức xuất hiện - đây là nơi gặp gỡ của nhiều nhạc sỹ khi đó như Nguyễn Xuân Khoát, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh... Không chỉ tân nhạc, phòng trà này còn trình diễn cả các nhạc phẩm cổ điển. Sau Quán Nghệ Sỹ, một số phòng trà khác cũng lần lượt ra đời như Thăng Long (phố Hàng Bông), Tuyết Sơn (phố Thợ Nhuộm), Thiên Thai (phố Hàng Gai)…  Một thời gian dài trôi qua cùng với bao biến cố của lịch sử, sự thay đổi của đất nước, con người; phòng trà ca nhạc chưa bao giờ biến mất, có chăng là sự im ắng theo diễn tiến của quy luật bất biến, để nay lại được dịp đánh thức “cơn mê sâu” mà “bừng tỉnh”.

Hơn 10 năm trở lại đây nếu nhắc đến phòng trà để thưởng thức âm nhạc không thể quên Aladin I, II của NSND Thanh Hoa. Một phòng trà nhỏ có sức chứa khoảng 100 người cũng đã tồn tại khoảng 10 năm, nơi đây mở ra để thỏa cơn khát nhạc đỏ và “open” hơn với nhạc bán cổ điển. Công chúng Thủ đô, Việt kiều xa quê hương đã lâu từng thầm nhủ, đã có chốn đi về nghe nhạc sang, thưởng thức những giọng hát mang hơi hướng cổ điển, hàn lâm…

Văn hóa nghe thật sự lên ngôi, sự lặng lẽ, “chất” trầm lắng và khách đến nơi đây đúng nghĩa thưởng thức đã làm nên thương hiệu cho phong trà ca nhạc Aladin. Xuất hiện như một chiếu chèo cung đình và cũng chưa quá 100 ghế ngồi, Lý Club thực sự là một “nhà hát” mini. Sự kết hợp Đông - Tây tạo nên bản sắc cho Lý Club; công chúng vẫn thấy những ngôi sao ca nhạc thực sự có tài và còn cả âm nhạc dân gian truyền thống như chèo, tuồng, ca trù, xẩm, quan họ, chầu văn…

Ngoài những nghệ sỹ đã thành danh đứng ra mở phòng trà ca nhạc, không ít những nghệ sỹ trẻ cũng ấm ủ ý tưởng đi theo hướng đó, ngoài có thêm kinh tế để “nuôi” nghệ thuật, thì chính địa điểm này sẽ giúp họ tăng cường được các mối quan hệ, đến gần hơn với công chúng và còn có chỗ hoạt động âm nhạc một cách tự nhiên, thường xuyên. Giải nhất Sao Mai 2007 của dòng nhạc thính phòng Lê Anh Dũng cũng đã cùng “ê-kíp” của mình mở phòng trà Bee Club. Tâm huyết lẫn tham vọng lớn của Lê Anh Dũng mang tính tích cực song không thành vì nhiều lý do, Bee Club “sang tay” một người khác cũng đam mê nghệ thuật. Kế đến là phòng trà Malaideli với hướng hoạt động xoáy vào những giọng ca trữ tình lãng mạn như Thanh Lam, Khánh Linh, Tùng Dương, Nguyễn Ngọc Anh… Malaideli có một không gian vừa đủ ấm cúng, vừa đủ bình dị để những người yêu nhạc Thủ đô có thể thả hồn vào từng ca khúc một cách sâu lắng, mộc mạc nhất. Để nói về những phòng trà ca nhạc tựa như Malaideli tại Hà Nội vẫn còn ít, nhưng thực sự là những điểm nhấn quan trọng. Opera Open cũng chọn lựa loại hình âm nhạc nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, lịch lãm của các nhạc sỹ tài hoa như Trịnh Công Sơn, Phú Quang… để phục vụ công chúng qua tiếng hát của những ca sỹ nổi tiếng.

Giới trẻ Hà thành cũng có những sự chọn lựa phòng ca nhạc cho riêng mình. Hồ Gươm Xanh tồn tại đã khá lâu, đến nay vẫn “sống” tốt khi hàng tối vẫn thu hút một lượng đông khán giả trẻ đến nơi đây. Nét đặc biệt của phòng trà này là những lịch diễn dày đặc của các ngôi sao ca nhạc, nhóm nhạc, nhóm nhảy trên cả nước. Một điểm đến mang tính văn hóa phải nhắc đến phòng trà MF. Không ít các nghệ sỹ đã chọn lựa MF làm nơi tổ chức đêm nhạc hay giới thiệu album hoặc trình diễn ca khúc mới. Sân khấu đủ rộng nhưng gần gũi, không ít các ca sỹ nổi tiếng thích được biểu diễn tại MF. Và thực sự làm phòng trà ca nhạc trở nên sôi động vào thời điểm này phải kể đến The Rooftop, Big One, Le Bon… - được hội tụ bởi không gian đẹp, những buổi biển diễn nhạc sống và âm nhạc điện tử.

Hà Nội không thiếu những chương trình ca nhạc hoành tráng trên các sân khấu lớn. Nhưng phòng trà ca nhạc không vì thế mà mất chỗ đứng, nó tồn tại vượt thời gian để đáp ứng nhu cầu của không ít khán giả; đồng thời mang đến những không gian âm nhạc ấm cúng, gần gũi, giúp cho đời sống âm nhạc của Thủ đô thêm sắc màu và thay đổi thói quen thưởng thức nhạc của người Hà Nội.