Dịch vụ đổi tiền lẻ cuối năm: "Cháy hàng" 500 đồng, tiền seri đẹp giá gấp 20 lần

ANTD.VN - Phí đổi tiền lẻ 500 đồng lên đến 150-200% mà vẫn không có để đổi. Trong khi mỗi bộ tiền seri tứ quý gồm 10 tờ tiền lẻ có giá bán gấp vài chục lần.

Còn 1 tháng rưỡi nữa là tới Tết, tại một số tuyến phố như Nguyễn Xí, Hà Trung và trước cửa các đền, chùa, phủ... dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới đã diễn ra khá tấp nập. Nhưng nở rộ rất phải kể đến chợ tiền lẻ... trên mạng.

Theo khảo sát của phóng viên, năm nay tiền mệnh giá 500 đồng gần như không có. Một số nơi niêm yết phí đổi tiền đối với mệnh giá này lên đến 150-200%, tuy nhiên khi liên hệ thì được trả lời là không có, do Ngân hàng Nhà nước không phát hành nữa.

Đối với tiền lẻ mệnh giá từ 1.000 đồng trở lên thì nguồn cung rất dồi dào, muốn đổi bao nhiêu cũng có. Mức phí với tiền mệnh giá càng nhỏ càng đắt. Cụ thể, tiền mệnh giá 1.000 đồng phí đổi dao động 12-15%; tiền 2.000 – 5.000 đồng phí 10-12%. Các mức phí này thậm chí còn cao gấp rưỡi nếu khách hàng đổi với số lượng ít (dưới 4 thếp)

Đối với tiền mệnh giá 10.000 đồng phí đổi tiền là 10%; 20.000 đồng phí 8%; 50.000 đồng phí 7%; 100.000 – 6%;  200.000 - 5%.

Dịp cuối năm nào nhu cầu đổi tiền lẻ cũng tăng cao

Đáng nói, một số đầu mối đổi tiền còn có các bộ tiền seri đẹp, được chào bán với giá cao ngất ngưởng. Chẳng hạn, bộ 10 tờ 1.000 đồng seri tứ quý có giá lên tới 200.000 đồng; bộ 10 tờ 2.000 đồng giá 220.000 đồng; 10 tờ 5.000 đồng giá 300.000 đồng.

Theo các đầu mối đổi tiền lẻ online, nếu khách trong thành phố có thể được giao tiền trực tiếp tại nhà. Khách đổi ít sẽ phải trả thêm phí giao hàng còn khách đổi nhiều sẽ được miễn phí vận chuyển. Còn khách tỉnh cũng có dịch vụ chuyển tiền đến tận nơi rồi mới thu tiền, khách chỉ cần chuyển khoản hoặc nạp thẻ điện thoại một số tiền nhỏ để làm tin.

Có thể thấy năm nào gần dịp Tết nhu cầu đổi tiền lẻ cũng tăng cao, đặc biệt là những loại tiền mệnh giá nhỏ, nguyên seri chưa qua sử dụng. Số tiền lẻ này hầu như không được dùng làm phương tiện thanh toán mà được sử dụng vào các hoạt động tín ngưỡng như đi lễ hội, đền chùa...

Để hạn chế tình trạng này, từ năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên đán.

Theo đó, căn cứ lượng tiền mệnh giá nhỏ từ 5.000 đồng trở xuống đủ tiêu chuẩn lưu thông đang bảo quản trong kho, Ngân hàng Nhà nước sẽ chuyển các chi nhánh tỉnh, thành  phố để chi ra lưu thông mà không chi các loại tiền mới in còn nguyên seri.

Tuy nhiên, nhu cầu đổi tiền lẻ trong dân vẫn rất lớn, chính vì vậy, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch ngày càng nở rộ và mức phí cũng ngày càng cao.

Xử lý nghiêm vi phạm đổi tiền lẻ trái phép

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 48/CT-TTg giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt cho nền kinh tế, nhất là trong dịp Tết.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết; bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ.

Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật.