Dịch vụ đi chung xe Grab, Uber – Cấm hay quản?

ANTD.VN - Sự phát triển của loại xe vận tải hợp đồng điện tử của Grab và Uber đã và đang tạo ra cuộc cạnh tranh mạnh mẽ giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống. Sự cạnh tranh này đang mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, khi mà giá dịch vụ ngày càng được hạ thấp. Tuy nhiên, sự phát triển của Uber và Grab lại đang đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý, nhất là khi cả Grab và  Uber cùng tung ra 2 dịch vụ mới đó là đi chung xe, hay còn gọi là Grabshare và Uberpool.

Đăng nhập vào ứng dụng…. lựa chọn điểm đi, điểm đến… nhấn và lựa chọn dịch vụ. Các thao tác để sử dụng Grabshare cũng đơn giản như những dịch vụ khách của Grab. Grabshare là dịch vụ đi chung xe vừa được Grab ra mắt. Nó giúp giảm 30% chi phí cho hành khách, tăng thêm 15% chi phí cho lái xe. Điều kiện là hành khách chấp nhận chia sẻ chuyến đi với hành khách có cùng hướng đi.

PV Ông Jerry Lym – Giám đốc Grab tại Việt Nam: “Với việc đi chung xe, chia sẻ hành trình, số lượng xe và lái xe giảm, giảm ùn tắc, nó giúp hành khách giảm chi phí, tài xế tăng thu nhập. Chúng tôi sẽ tích cực làm việc với cơ quan Nhà Nước để được tiếp tục triển khai dịch vụ này”.

Dịch vụ tiện ích, thu hút được nhiều đối tượng sử dụng đã dẫn đến sự gia tăng số lượng xe Grab và Uber, và điều này ngày càng bộc lộ nhiều vấn đề.

Theo sở GTVT Hà Nội, tính đến cuối tháng 5 năm 2017, số lượng xe ô tô chạy dịch vụ cho Uber và Grab trên địa bàn thành phố đã lên tới hơn 7.000 xe. Trong khi đó, phòng cảnh sát giao thông Hà Nội nhận định, dù cùng hoạt động chuyên chở khách song với việc không phải gắn mào, các phương tiện của Grab và Uber hiện tại đang vô tư đi vào những tuyến phố cấm taxi hiện nay, gây ra tình trạng quá tải phương tiện trên các tuyến phố này. Đây được xem là một trong những bất cập trong quản lý đối với loại hình taxi công nghệ thời gian qua.  

PV Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội: “nguyên nhân tắc đường do phương tiện cá nhân, đó là nhu cầu đi lại uber, grab…”

PV Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam: “mục tiêu và mục đích của Uber và Grab đưa ra là tận dụng những xe nhàn rỗi trong dân chứ không phải là phát triển thêm những phương tiện dưới 9 chỗ để tham gia giao thông. Nhưng đến khi triển khai thì nó đi ngược lại. Cơ quan quản lý quan niệm nó không phải là taxi cho nên là không ai quản lý nó cả…”

Bên cạnh đó, dịch vụ Grabshare hay Uberpool có thể gây bất tiện cho hành khách khi phải đi chung với người lạ. Sẽ rất khó xử lý nếu người lạ đi chung xe trộm cắp tài sản của người đi cùng.

Bộ GTVT cho rằng, dịch vụ này không phù hợp với quy định hiện hành. Theo Nghị định 86 về quản lý 5 loại hình vận tải hành khách công cộng, hành khách đã ký giao kết trọn gói cả chuyến xe, không phải là thuê chỗ ngồi với mỗi chuyến xe hợp đồng. Do vậy, ngày 24-6, Bộ GTVT đã ra văn bản hỏa tốc yêu cầu Grab dừng triển khai dịch vụ Grabshare tại Việt Nam. Bộ GTVT cũng yêu cầu thanh tra giao thông ở địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý trường hợp cố tình sử dụng dịch vụ đi chung, với mức phạt là từ 4 đến 6 triệu đồng. Hà Nội là địa phương đầu tiên cấm sử dụng dịch vụ Grabshare, Uberpool. Các hãng taxi truyền thống cũng đồng loạt bắt tay, tố ứng dụng đi chung xe của Grab là vi phạm luật và yêu cầu xử lý.

PV bà Nguyễn Thị Trang, Phó Giám đốc Hãng Taxi Sao Thủ đô: “Nếu taxi truyền thống chúng tôi cũng ra dịch vụ đi chung, xử lý ra sao? Bộ có nhắc nhở chúng tôi vẫn cứ làm, lúc đó sẽ dẫn đến nhờn luật…”

Uber, Grab đã tạo ra một cuộc cách mạng, đe dọa phá vỡ quy hoạch taxi tại Việt Nam. Đặc biệt, Grabshare xuất hiện càng khiến cho các hãng taxi truyền thống lao đao. Tuy nhiên, nếu nó xảy ra trên thực tế, người tiêu dùng vẫn cổ vũ. Các hãng taxi truyền thống cũng buộc phải thay đổi để tồn tại nếu không muốn bị đào thải. Câu hỏi đặt ra ở đây cho các cơ quan chức năng là cấm hay quản mới lài giải pháp hữu hiệu?

PV Ông Hà Hồng Trường – Chủ tịch Hội Cầu, đường, cảng TP.HCM: “quan điểm cá nhân tôi là cần tìm biện pháp thích hợp để quản lý cho phù hợp với thị trường Việt Nam…”  

PV ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải: “Bây giờ xe nào cũng thế thôi. Anh hoạt động như taxi anh chở người thì anh phải đăng ký và phải tuân thủ theo điều kiện kinh doanh ấy…”

Không chỉ gây ra những lo ngại về việc vỡ trận đối với qui hoạch taxi, giới phân tích cũng nhìn nhận, việc thiếu cơ chế quản lý phù hợp đang khiến cho nhà nước chưa thu đủ thuế từ hoạt động của Grab và Uber. Đại diện Bộ giao thông vận tải cho biết, trong thời gian tới, sẽ tính toán tới việc đưa ra những điều kiện kinh doanh cụ thể hơn với hai công ty này.