“Dịch” vẽ bậy lên di tích: “Vaccine” nào hiệu quả?

(ANTĐ) - Sau khi Báo ANTĐ ra ngày 1-3 đăng bài: “Dịch vẽ bậy lên di tích” phản ánh về tình trạng viết vẽ bậy lên một số di tích, công trình nơi công cộng, đường dây nóng Báo ANTĐ đã nhận được nhiều thông tin phản hồi với khá nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng này…
>>>“Dịch” vẽ bậy lên di tích

“Dịch” vẽ bậy lên di tích: “Vaccine” nào hiệu quả?

(ANTĐ) - Sau khi Báo ANTĐ ra ngày 1-3 đăng bài: “Dịch vẽ bậy lên di tích” phản ánh về tình trạng viết vẽ bậy lên một số di tích, công trình nơi công cộng, đường dây nóng Báo ANTĐ đã nhận được nhiều thông tin phản hồi với khá nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng này…
>>>“Dịch” vẽ bậy lên di tích

Tăng cường công tác tuyên truyền

Ông Lê Quốc Việt - Bí thư Đoàn phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa cho biết: “Thời gian qua, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trên địa bàn phường cũng đã bị bôi bẩn bởi một số đối tượng vẽ bậy. Nhiều ý kiến cho rằng cứ xử lý nghiêm là dẹp được tình trạng này. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi, bên cạnh việc xử phạt nặng thì điều quan trọng là cần xây dựng, hình thành ở mọi người, nhất là đối tượng thanh, thiếu niên ý thức văn hoá, lối sống văn minh, ý thức trách nhiệm gìn giữ, bảo quản tài sản công, biết trân trọng, giữ gìn và có ý thức bảo vệ những công trình văn hóa.

Khu vực bia tiến sĩ trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng phải chăng dây bảo vệ

Khu vực bia tiến sĩ trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng phải chăng dây bảo vệ

Song, thay vì để giới trẻ có những hành động tự phát để bảo vệ di tích, các cơ quan chức năng cần tập hợp họ lại, định hướng cho họ để chính họ phát hiện, đấu tranh, phê phán hành động thiếu văn hóa của những bạn trẻ khác. Trong năm qua, chúng tôi đã tổ chức 5 đợt ra quân xóa biển quảng cáo rao vặt, vẽ bậy, tại khu di tích. Song vướng mắc ở chỗ hầu hết các đối tượng vẽ bậy chủ yếu ở những nơi khác, thực hiện hành vi vào buổi tối nên việc phát hiện vi phạm là khá khó khăn…

Được biết, tại các nước tiên tiến việc vẽ bậy trên di tích, các nơi công cộng cũng xảy ra khá phổ biến. Cách đây không lâu, một người Thụy Sỹ đã bị tòa án  Singapore phạt đánh ba roi và bỏ tù năm tháng với cáo buộc vẽ bậy lên một toa tàu điện ngầm của nước này. Hành động phá hoại các công trình văn hóa và công cộng tại Singapore bị phạt từ ba đến tám roi và nộp phạt tới 2.000 đô-la Singapore (tương đương 1.437 USD) hoặc ngồi tù đến 3 năm.

Mới đây, người đẹp nổi tiếng Paris Hilton (Mỹ) cũng đã bị phạt nặng và nhận được lời đề nghị “đừng bao giờ trở lại nữa” với lý do cô đã viết tên mình lên giấy dán tường để chụp ảnh kỷ niệm trong căn phòng tiêu chuẩn nguyên thủ cô đã thuê tại khách sạn ở Thủ đô nước Nga. Cũng do vẽ bậy lên bàn ghế, một nữ sinh 12 tuổi ở thành phố New York, Mỹ đã bị cảnh sát còng tay và áp giải về đồn. Sự việc đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo dư luận.

Nên phạt thật nặng

Để đối phó với nạn vẽ bậy, bên cạnh việc đưa ra các hình phạt nghiêm khắc, một số nước còn có các biện pháp khá hiệu quả như làm hàng rào, không cho người xem tiếp cận sát vào di tích, khoanh vùng các khu vực được phép vẽ... Song, điều này khó có thể thực hiện được với một số di tích như tháp Hoà Phong, Văn Miếu Quốc Tử Giám… ở nước ta. Hiện pháp luật Việt Nam đã có chế tài để xử phạt đối với hành vi bôi bẩn di tích, nơi công cộng song việc phát hiện, bắt quả tang các đối tượng là điều không đơn giản.

Hình ảnh không đẹp đằng sau một tấm bia tiến sỹ

Hình ảnh không đẹp đằng sau một tấm bia tiến sỹ

Theo đại diện của Cục Pháp chế, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, điều đáng tiếc là một số bạn trẻ hiện nay rất coi thường những công trình văn hóa lịch sử, làm những việc vi phạm nếp sống văn minh như khắc tên mình vào cổng, lên tường các di tích lịch sử, vẽ bậy lên mặt bàn học… Những hành động thiếu ý thức này đã và đang làm xấu, thậm chí giết chết những di tích hàng trăm năm tuổi với giá trị lịch sử và văn hóa.

Ngoài việc bố trí lực lượng quản lý, trông nom  di tích, các cơ quan chức năng cần triển khai các lực lượng phối hợp giữa cơ quan thanh tra và địa phương để theo dõi, thậm chí “mai phục” để phát hiện và xử lý những đối tượng vi phạm. Nếu phát hiện cần phải lập biên bản để chính quyền địa phương xử phạt ngay. Tùy từng hành vi sẽ bị áp dụng các mức phạt vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng…

Luật sư, Thạc sỹ Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Công ty TNHH Luật S&B nhận xét: “Hiện nay nhiều di tích ở Việt Nam như: Tháp Bút, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền, chùa, thậm chí như cao nguyên đá Đồng Văn - tỉnh Hà Giang, một công trình kiến trúc tự nhiên độc đáo cũng đã bị những người thiếu ý thức hủy hoại. Hành vi này đã và đang khiến nhiều di sản văn hoá của chúng ta bị huỷ hoại nghiêm trọng, làm mất đi vẻ đẹp và tính nguyên vẹn của những di tích lịch sử có ý nghĩa. Điều đáng nói là những đối tượng cổ suý cho hành vi xấu này chủ yếu là những người trẻ, do không được giáo dục nên họ đã dùng hình thức viết chữ, vẽ bậy lên nhiều di tích để thể hiện cái tôi của bản thân mà quên mất sứ mệnh của họ là phải phát huy và gìn giữ vẻ đẹp vốn có của những di tích này.

Cũng theo ông Hà, hiện những quy định của pháp luật đối với lĩnh vực này chưa nghiêm, mức xử phạt đối với hành vi xâm hại di tích lịch sử còn thấp. Thậm chí, những đối tượng có hành vi vi phạm nếu bị cơ quan quản lý phát hiện cũng chỉ bị xử phạt hành chính. Bên cạnh đó, đội ngũ tuyên truyền, giáo dục ý thức giữ gìn, bảo tồn di tích tại các địa phương còn kém.

Để có vaccine chống lại căn bệnh này, chúng ta cần có biện pháp giáo dục, tuyên truyền sâu rộng hơn về vấn đề giữ gìn vẻ đẹp của những di tích có giá trị lịch sử văn hoá vào nhà trường, địa phương và nâng cao nhận thức trong cộng đồng. Mặt khác, các nhà làm luật cũng cần nâng mức chế tài xử phạt nặng hơn đối với những hành vi vi phạm. Đối với những di tích bị biến dạng thì đối tượng vi phạm cần phải bị khởi tố để răn đe.

Phóng viên ban Bạn Đọc

Tin cùng chuyên mục