1. Thế là tôi háo hức theo chân ông. Bố đi trước, hai tay bê chiếc thau tráng men lưng lửng nước, bên trong là chú cá chép nhỏ chỉ bằng 2 ngón tay đang bơi vòng quanh. Hình như chú cá chép cũng biết mình sắp được thả nên cứ bơi vòng phải rồi lại vòng trái. Tới bờ ao nhà bà Phụng, bố con tôi dừng lại, rất nhẹ nhàng bố khẽ nghiêng thau để chú cá chép trôi xuống ao. Tôi đứng cạnh, hai mắt mở căng hết cỡ chờ đợi giây phút chú cá chép bay lên từ dưới mặt ao. Chờ mãi… chờ mãi mà chỉ thấy chú quẫy đuôi một cái rồi mất tăm, tôi níu tay bố hỏi: “Sao mãi không thấy cá chép chở ông Táo bay lên trời hả bố?”. Bố tôi cười…
|
Minh họa: Internet |
Trên đường về, trong tâm trí tôi cứ hiện lên là câu chuyện đã từng được nghe. Truyền thuyết kể lại rằng, Táo quân được Ngọc Hoàng phái xuống trần gian để theo dõi, ghi chép những việc làm của mỗi nhà. Rồi cứ vào 23 tháng Chạp hàng năm, Táo quân lại cưỡi cá chép lên trời báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người để thiên đình định đoạt công tội. Đến đêm Giao thừa, Táo quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa gia đình. Bởi thế cứ đến ngày ông Công ông Táo là người Việt lại làm lễ cúng cá chép. Người dân thường chuẩn bị 2 hoặc 3 con cá chép sống thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác. Sau khi cúng xong sẽ đem phóng sinh ở sông, ao, hồ, nghĩa là để đưa ông Táo về trời. Mãi sau này khi đã lớn lên tôi mới hiểu ý nghĩa của câu chuyện dân gian ấy. Câu chuyện tưởng như hoang đường đã trở thành một phong tục của người Việt.
Rồi những đứa con của tôi ra đời. Hàng năm, vào dịp cúng ông Công ông Táo, nhà tôi cũng ra chợ Châu Long bên hồ Trúc Bạch để mua cá chép. Ban đầu ở chợ người ta bán cá chép sông. Những chú cá nhỏ đều như nhau, bơi túm túm trong chiếc chậu gò bằng tôn. Chợ bán cá chép từ sớm, trước cả ngày 23 tháng Chạp vì có nhà tranh thủ cúng ông Công ông Táo sớm. Thế là bên cạnh bàn để mâm cơm cúng lại có thêm một chiếc ghế cao, trên ghế để chậu thau với những chú cá chép nhỏ bơi xuôi ngược tung tăng. Dần dà “phú quý sinh lễ nghĩa”, người Hà Nội không mua cá chép sông mà tìm cá chép đỏ về cúng… “cho nó son”. Vậy là những người nuôi cá chép đỏ, cá chép hồng đã bắt kịp ngay nhu cầu đó. Chợ Châu Long bây giờ người ta chỉ bán chép đỏ, cá chép hồng mà thôi.
2. Tôi được vợ phân công mang cá chép đi thả sau khi cúng. Hồi lũ trẻ nhà tôi còn nhỏ (chúng cũng y hệt như tôi khi theo chân cha ra bờ ao ngày nào) cũng bám theo bố để được đi thả cá chép. Tôi cho chú cá chép vào túi nilon rồi đèo bọn nhóc ra hồ Giảng Võ. Thả cá xong tôi vo túi ni lông lại, con tôi ngạc hiên hỏi: “Sao bố không thả cả túi?”. Tôi trả lời: “Túi ni lông không thả xuống hồ vì sẽ làm ô nhiễm. Bố đem về cho vào thùng rác con ạ”.
Bây giờ người Hà Nội hay mang cá chép lên cầu Long Biên, Chương Dương, Nhật Tân hay Vĩnh Tuy để phóng sinh xuống sông Hồng. Họ tin rằng thả xuống sông Hồng thì cá chép sẽ xuôi theo dòng đi xa hơn, có khi ra tận cửa biển. Mới đầu một số người thả cá xong thì vứt túi nilon lại trên cầu, có khi ném luôn xuống nước. Nhận thấy cách vứt túi nilon như thế rất ô nhiễm nên đã xuất hiện những người trẻ tuổi đi thu gom.
Họ treo những chiếc bao to ở bên thân cầu và vận động những người thả cá không nên vứt túi nilon như vậy nữa mà bỏ vào bao để mang đi tiêu hủy. Cách làm đó thật hay và cũng đáng khen ngợi. Rồi tiến bộ hơn, người Hà Nội còn “nghĩ ra cách” làm những con cá chép bằng giấy, bằng bìa, dĩ nhiên là có tô vẽ cho đẹp và giống cá chép thật. Cúng ông Công ông táo xong thì đem cá chép giấy ấy đi hóa. Thế là các hồ nội thành cùng dòng sông Hồng cũng đỡ ô nhiễm bởi cá chép sau khi thả thường bị chết. Nhưng hóa cá chép giấy lại nảy sinh vấn đề mới, đó là khói và nhiều nhà mua cá chép giấy bìa khá to. Họ cho rằng cá càng to càng “có lộc”, thành ra ngoài khói còn tro than. Lượng tro than đôi khi cũng là vấn đề cần xem lại vì sinh thêm một ô nhiễm mới.
Phóng sinh cá chép ngày ông Công ông Táo không chỉ là một nét đẹp văn hóa mà còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam. Những mong mọi nhà, mọi người có thái độ chan hòa hơn, có trách nhiệm hơn với vấn đề làm ô nhiễm môi trường. Bỏ tục truyền thống thì không khả thi, mà duy trì thì cũng nên nghĩ đến cách nào hợp lý và hạn chế ô nhiễm tới mức tối thiểu nhất.