- Tổng thống Mỹ Obama lần đầu tiên thừa nhận sai lầm khi lật đổ Gaddafi
- Libya điều tra video con trai của Gaddafi bị lạm dụng
- Libya: Con trai cựu Tổng thống Gaddafi bị kết án tử hình
|
Sự kiện làm thay đổi lịch sử Libya chính là Nghị quyết 1973 được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua vào ngày 17-3-2011. Đó là phản ứng đối với các cuộc biểu tình công khai diễn ra ở một số khu vực của Libya cách đó 1 tháng, trong đó người dân yêu cầu cải thiện điều kiện sống, nhà ở và việc làm. Làn sóng bất bình của công chúng ở Libya là một phần của phong trào “mùa xuân Ả-rập” bắt đầu ở nước láng giềng Tunisia trước khi chuyển sang Ai Cập.
Dưới thời Tổng thống Gaddafi, trong nhiều năm Libya đã chứng kiến các nhóm vũ trang nổi lên tìm cách thay đổi chế độ bằng vũ lực. Chính phủ đã sử dụng vũ lực để kiềm chế cuộc biểu tình, đặc biệt nhắm vào các nhóm vũ trang.
Đến tháng 3-2011, Libya xảy ra nội chiến toàn diện giữa quân đội chính phủ với quân nổi dậy gồm các tổ chức khủng bố như Al-Qaeda, Ansar Al-Sharia, nhóm Hồi giáo ở Libya, phiến quân địa phương (được phương Tây và một số quốc gia Ả-rập như Qatar, Jordan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất hỗ trợ).
Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 1973 cho phép Liên hợp quốc sử dụng vũ lực để bảo vệ dân thường Libya. Vào ngày 20-10-2011, ông Gaddafi đã bị sát hại trên đường trốn chạy. Thi thể của ông cùng với con trai và Bộ trưởng Quốc phòng bị đem bêu trước công chúng.
Hóa ra, mục tiêu thực sự trong chiến dịch của NATO tại Libya là thanh trừng ông Gaddafi, xóa tan hình ảnh của một nhà lãnh đạo hàng đầu khỏi ký ức của người dân trong nước và hàng triệu người châu Phi khác. Từ đó, biến Libya từ một quốc gia độc lập và có chủ quyền thành một quốc gia phụ thuộc vào phương Tây, không thể tự quyết định bất kỳ vấn đề quốc gia quan trọng nào bao gồm bầu cử, chính sách kinh tế và quản lý tài sản quốc gia, khi mà hàng tỷ USD vẫn bị đóng băng trên khắp thế giới.
Sau ngần ấy năm, đến nay Libya vẫn chìm trong xung đột và chia rẽ, trong khi nhà lãnh đạo Gaddafi (mà phương Tây miêu tả là độc ác và kỳ công phá hủy cả Libya để loại bỏ) vẫn được hầu hết người dân nhớ đến và trân trọng.
Vào tháng 9-2024, hàng nghìn dân thường ở các thành phố, thị trấn và làng mạc trên khắp Libya đã xuống đường để kỷ niệm 55 năm ngày ông Gaddafi lên nắm quyền (vào ngày 1-9-1969) trong cuộc cách mạng Al-Fatih. Mặc dù kể từ năm 2011 lễ kỷ niệm diễn ra hầu như hàng năm, nhưng lễ hội năm nay đáng chú ý vì có số lượng lớn người trẻ tham gia và có cả diễu hành tái hiện nhân vật này.
Ali Al-Kilani, một nhà thơ nổi tiếng và là cựu phụ tá của ông Gaddafi tuyên bố “Gaddafi không chết” vì ông đã khiến người dân Libya tin vào chính mình và “tự hào về nền độc lập và chủ quyền của họ”. Số lượng người tham gia diễu hành kỷ niệm năm nay là bằng chứng cho thấy “ông Gaddafi vẫn được yêu mến mặc dù người ta muốn xóa bỏ hình ảnh ông khỏi tâm trí nhân dân” - ông Al-Kilani cho biết. Sự nổi tiếng của cố Tổng thống Gaddafi cũng có thể đóng vai trò quyết định trong cuộc bầu cử ở Libya nếu được tổ chức.
Saif Al-Islam, con trai ông Gaddafi, người đã đăng ký tranh cử Tổng thống vào tháng 12-2021 và được dự đoán sẽ giành chiến thắng, nhưng cuộc bỏ phiếu đã bị hoãn vô thời hạn do Mỹ và Vương quốc Anh phản đối đưa tên ông vào danh sách bỏ phiếu. Họ cho rằng Saif Al-Islam không phải là lựa chọn tốt cho Libya vì bị Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) truy nã. Thật vậy, ông Saif Al-Islam đã bị ICC truy tố, nhưng tòa án Libya đã miễn tội cho ông thông qua luật ân xá chung do Quốc hội thông qua vào năm 2015. Con trai ông Gaddafi đang được yêu mến hơn nhiều so với bất kỳ ứng cử viên tiềm năng nào, phần lớn là do tên tuổi gia đình và thực tế là ông đã sát cánh cùng cha mình trong suốt cuộc chiến.
Mặc dù cố Tổng thống Muammar Gaddafi vẫn nhận được sự tôn trọng và lòng trung thành trong phần lớn người dân Libya, nhưng bản thân đất nước này khó có thể trở nên ổn định, thống nhất và hòa bình trong thời gian tới. Nhiều nhà quan sát bi quan rằng, Gaddafi đã chết và mang cả Libya đi theo.