“Đeo số” cho chó, mèo

ANTĐ - Ngày 14-11 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 2891 về kế hoạch khống chế và loại trừ bệnh dại năm 2012. Theo quyết định này, tất cả số chó, mèo trên toàn quốc sẽ phải đăng ký để quản lý. Dù có nhiều điểm tiến bộ nhưng văn bản trên cũng bộc lộ không ít bất cập…

Ở Hà Nội tình trạng thả rông chó còn khá phổ biến

Làm khó cả đôi bên

Theo quyết định trên, UBND cấp xã phải lập sổ theo dõi số lượng chó mèo nuôi, số hộ nuôi chó mèo trên địa bàn. Chủ vật nuôi phải thực hiện đăng ký chó với UBND xã và được cấp số. UBND các cấp chỉ đạo thành lập đội chuyên trách bắt giữ chó mèo thả rông ở các khu đô thị, nơi đông dân cư hoặc chó mèo nghi bị mắc bệnh dại. Trạm Thú y nuôi nhốt chó, mèo bị bắt, theo dõi sức khỏe và chờ chủ nhân đến nhận. Việc tiêu hủy chó chỉ thực hiện trong trường hợp không có người đến nhận sau 72 giờ.

 Trước quy định này, không ít người dân tỏ ra lo lắng. Anh Nguyễn Văn Nam, ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì chia sẻ, trong khu vực anh ở có  hàng chục hộ nuôi chó, mèo. Riêng gia đình anh Nam nuôi 2 con chó đẻ. “Trung bình mỗi năm chó đẻ 2 lần, mỗi lần từ 5-7 con. Chẳng lẽ cứ mỗi lần chó đẻ hay bán cho ai tôi lại phải lên xã đăng ký? Chưa kể đến việc tại khu vực nhà tôi chó mèo thường thả rông. Nếu chính quyền cứ thấy chó đi ngoài đường mà bắt về thì người dân sẽ rất bức xúc” - anh Nam bày tỏ. Còn với những hộ gia đình nuôi chó lấy thịt, việc đăng ký vật nuôi tại chính quyền địa phương là điều chỉ có… giá trị trên giấy.

“Mỗi ngày nhà tôi thịt vài chục con chó. Riêng việc kinh doanh, buôn bán đã bận tối mắt tối mũi, thời gian đâu tôi lên phường trình báo hôm nay thịt những con nào, con nào chưa thịt? Ngoài ra, lỡ tôi đã trót báo thịt con này rồi nhưng về nhà đổi ý thịt con khác thì chẳng lẽ phải lên báo lại? Thật quá phiền phức và mất thời gian. Quy định này khác nào làm khó người dân” - Anh Nguyễn Văn Sinh, ở xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm than phiền. 

Không chỉ người dân không thiết tha với quy định “đeo số” cho chó mèo, ngay cả chính quyền địa phương cũng thiếu mặn mà. Theo lãnh đạo một phường ở quận Đống Đa, khi chưa có quyết định này, hàng năm các phường, xã vẫn triển khai việc tiêm phòng bệnh dại với vật nuôi trên địa bàn. Do chó mèo là vật nuôi không ổn định, không có giá trị kinh tế cao và không thuộc tài sản luật quy định phải đăng ký nên việc quản lý “hộ khẩu” với chó mèo sẽ gây khó khăn cho chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực lớn tại các xã, phường vốn đang thiếu nên việc bố trí cán bộ đi làm việc này là không đơn giản.

Đối lập với quan điểm trên, một số gia đình nuôi chó mèo cảnh lại cho rằng, quy định đánh số cho chó mèo là điều nên làm bởi những con vật “cưng” của họ sẽ được quản lý chặt chẽ và dễ dàng tìm kiếm hơn khi bị lạc. Song, với quy định tổ đặc nhiệm chuyên đi săn bắt chó mèo rông và có quyền tiêu hủy con vật sau 72 giờ không có người tới nhận, nhiều người lấy làm băn khoăn. Bà Nguyễn Thị Dịu, ở phường Quảng An, quận Tây Hồ lo lắng: “Con chó cảnh nhà tôi là chó nhập ngoại có giá vài chục triệu đồng. Lỡ lúc nào đó nó chạy lạc ra đường, đội chuyên trách bắt mất mà tôi không biết, quá thời hạn họ mang đi tiêu hủy thì tôi biết làm thế nào? 

Nhiều điểm thiếu khả thi

Trước quy định trên, ông Lê Văn Hùng, phụ trách một trung tâm nuôi, huấn luyện chó nghiệp vụ cho rằng, dù việc đăng ký chó, mèo sẽ giúp việc quản lý động vật nuôi tốt hơn, góp phần phòng chống bệnh dại, song vấn đề ở chỗ, rất khó để chính quyền “đeo số” đầy đủ cho hàng triệu vật nuôi này. 

Còn theo Luật sư Nguyễn Thu Thủy - Đoàn Luật sư Hà Nội, để văn bản 2891 đi vào thực tiễn cuộc sống, mối quan hệ giữa cán bộ thú y và người nuôi chó, mèo cũng cần được thay đổi. Bên cạnh đó, dù việc thả rông chó, mèo ngoài đường là cần hạn chế, song ở nông thôn việc làm này rất khó thực hiện. Vì vậy, quy định: “Trạm thú y có trách nhiệm nuôi nhốt chó, mèo bị bắt, theo dõi sức khỏe và chờ chủ đến nhận; sau 3 ngày, nếu không có người tới nhận, chó, mèo sẽ bị tiêu hủy” cũng cần được xem xét lại. Ngoài ra, việc thành lập đội chuyên bắt giữ chó, mèo thả rông hoặc chó mèo nghi mắc bệnh dại của chính quyền các địa phương cũng cần được quy định chặt chẽ hơn. Đội bắt chó của cơ quan chức năng phải có đồng phục riêng, có xe riêng... tránh việc các “cẩu tặc” lợi dụng việc làm này để đi bắt trộm chó. 

Luật sư Thủy còn phân tích thêm, vấn đề nữa cần quan tâm là chó, mèo khi bị bắt giữ sẽ nhốt ở đâu? Nếu như ở một số nước phát triển có các trung tâm nuôi nhốt động vật khá quy mô, hiện đại, thì ở Việt Nam việc xây dựng những trung tâm này không dễ dàng.  Ngoài ra, việc tiêu huỷ chó, mèo bị dịch của cơ quan chức năng cũng phải có bằng chứng rõ ràng, tránh trường hợp nhập nhèm, mang chó của người dân đi bán hoặc sử dụng vào mục đích khác, gây khiếu kiện phức tạp. 

Số liệu thống kê cho thấy, hiện tổng đàn chó nuôi trong cả nước ước tính từ 6 - 8 triệu con. Nguồn truyền bệnh dại được xác định chủ yếu là chó nhà nuôi (chiếm 95 - 97%), sau đó là mèo. Mỗi năm có khoảng 500.000 người tiêm vaccine sau khi súc vật dại hoặc nghi dại cắn (chủ yếu là chó, mèo). Sau một thời gian có dấu hiệu giảm, vài năm trở lại đây, bệnh dại đang có chiều hướng quay trở lại: Năm 2011, 110 người chết, năm 2012 cũng đã ghi nhận 77 ca tử vong do bệnh này.