Đến U Minh “ăn ong”

ANTĐ - Mùa nắng là mùa ăn nên làm ra của dân ăn ong. Cái nghề này vốn sống tựa rừng, nương nhờ hoang dã nên lắm lúc cũng thấy thú vị. Cuộc sống của người dân vùng U Minh cứ thế mà vô lo. Về Cà Mau, tôi lần đầu tiên có dịp “mục sở thị” một nơi mà theo như lời “cảnh báo” từ trước của mấy người họ hàng là “khỉ ho cò gáy”. Thế nhưng với tôi, điều này đồng nghĩa với sự thú vị. 

Nơi tôi đến là huyện Trần Văn Thời, cách TP Cà Mau khoảng một giờ đi ca nô trên sông. Cũng là dân miền Tây nhưng thuộc dạng nửa quê nửa chợ nên khi được tận mắt chứng kiến cảnh tượng rặt sông nước, tôi tự thấy mình… quê thật. Ở đây, giao thông xa gần chủ yếu là đường sông và hầu như nhà nào cũng có sắm vỏ lãi (một loại ca nô nhỏ) thay cho xe máy, xe hơi. Tôi được mấy ông anh họ rủ đi “ăn ong” ở rừng U Minh. Đang mắt tròn mắt dẹt chưa kịp hiểu thì đã thấy ông cậu xách lưỡi hái, thêm cây cù néo, cái thùng nhựa, mớ bùi nhùi và cái hộp quẹt (bật lửa) - những dụng cụ chuyên dụng của dân “ăn ong” đứng sẵn sàng.

Đường đến rừng U Minh cũng mất gần 45 phút đi ca nô. Tôi không nhớ rõ mình băng qua những đâu, chỉ thấy nơi nào cũng bạt ngàn những dừa nước, những đước, mắm, tràm chằng chịt. Vừa đặt chân đến địa bàn của rừng đã nghe chíu chít những tiếng chim rừng, cả tiếng vượn hú và đâu đó là hình ảnh đàn khỉ đang nô đùa… Nhưng có một nỗi sợ thường trực không chỉ với tôi mà ngay cả nơi dân ăn ong chuyên nghiệp, đó là rắn. Rắn ở đây thì đủ loại, từ những loài được cho là lành như rắn nước, rắn ri… cho đến những loại thuộc hàng “chúa tể độc” như hổ mang, hổ gầm… Thật ra, cây cù nèo mà ông cậu mang theo là dùng để vạch lối đi và xua rắn. Khó khăn lắm tôi mới luồn mình qua được những lằn cây chằng chịt để theo dấu mấy người anh em vì nếu không khéo, sẽ bị lạc.

Mùa ăn ong của dân rừng U Minh rộ nhất là vào mùa nắng, khi tiết trời chuẩn bị sang xuân là tốt nhất. Lúc đó, hoa không bị sũng nước, nở đồng loạt, ong tìm được nguồn thức ăn nên gác kèo to. Đi được một đoạn, chúng tôi gặp một tổ ong to bằng cái thúng, mật ươm ra như muốn vỡ. Nhanh như không, ông cậu lấy mớ bùi nhùi rơm chuẩn bị sẵn, bịt thêm mớ lá rừng và đốt, ung khói để làm ong say, nhả tổ. Hàng nghìn những con ong vo ve, say khướt, bay tán loạn, bỏ lại ổ ong to đùng, đầy mật. Nhanh chóng, ông cậu rạch lấy phần mọng nhất, mật ong chảy ra, tươm đầy thùng. Thật ra, nghề “ăn ong” này có địa bàn hẳn hoi. Dân ăn ong phải “biết điều” và không xâm lấn địa bàn. Muốn ong làm tổ, dân “ăn ong” sẽ chọn nơi, chọn hướng, đặt kèo gác để ong bay tới “xây nhà”. Kèo ở đây chỉ là một đoạn cây, gác kiên cố vào nhành cây nào đó, để ong lấy đó làm bệ. 

Cuộc hành trình của chúng tôi tiếp tục cho đến sâu tận bìa rừng bên kia, trời lúc này cũng đã sâm sẩm, tiếng ếch kêu, vượn hú ngày càng nhiều. Chúng tôi lại lò dò trở về, mang theo mấy thùng mật khệ nệ, nghe cả mùi hương tràm còn vương. Quả là một chuyến du lịch có một không hai.