Đề xuất trừ điểm bằng lái xe: Cần thiết nhưng phải rõ ràng để tránh xin xỏ, tiêu cực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, mới đây Bộ Công an cho biết sẽ bổ sung quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Theo Bộ Công an, hiện ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn kém, thể hiện ở vi phạm giao thông bị xử lý hàng năm ở mức cao, trên 3 triệu trường hợp. Số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm chết, bị thương nhiều người vẫn còn khá nhiều, trong đó nguyên nhân chủ yếu do lỗi của người lái xe không chấp hành các quy định của pháp luật giao thông đường bộ.

Bên cạnh đó, việc quản lý chấp hành pháp luật lái xe sau khi được sát hạch, cấp GPLX hiện nay đang bị buông lỏng…

Để luật hóa quy định trên, Bộ Công an cho rằng, trừ điểm GPLX sẽ là một biện pháp quản lý nhà nước, nhằm quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cho đến việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Trừ điểm bằng lái xe sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe.

Theo Bộ Công an, dự kiến bằng lái xe sẽ có 12 điểm/năm, nếu trong một năm mà bị trừ hết điểm thì phải thi lại GPLX.

Khi xử phạt, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào hành vi vi phạm cụ thể để trừ điểm. Trường hợp GPLX còn điểm, người lái xe tiếp tục được phép điều khiển phương tiện, sau một năm kể từ lần trừ điểm gần nhất nếu GPLX còn điểm thì được phục hồi 12 điểm.

Lực lượng CSGT kiểm tra về nồng độ cồn trên các tuyến đường

Lực lượng CSGT kiểm tra về nồng độ cồn trên các tuyến đường

Về đề xuất trừ điểm bằng lái xe, dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, quy định này là phù hợp và rất cần thiết nhằm nâng cao ý thức và kỹ năng của người tham gia giao thông, từ đó giảm thiểu tai nạn.

Tuy vậy, cơ quan chức năng cần nghiên cứu mức điểm và cách thức trừ điểm cho phù hợp, công bằng, đồng thời tăng cường áp dụng công nghệ để tránh gây phiền hà trong quá trình xử lý.

Quy định trừ điểm băng lái xe còn giúp cơ quan quản lý giám sát, theo dõi, đánh giá được việc chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện. Qua đó, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải cũng quản lý tốt lái xe, có thể dễ dàng giám sát việc tài xế chấp hành các quy định trong suốt quá trình làm việc.

Cũng theo luật sư Lê Hồng Vân, mục đích của việc trừ điểm giấy phép lái xe là tạo điều kiện cho tài xế được kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với lỗi vi phạm do lỗi vô ý hoặc khách quan được tiếp tục hành nghề. Tuy nhiên, những lỗi vi phạm nào thì bị trừ 1 điểm, lỗi nào thì bị trừ 2 điểm…phải quy định rõ ràng. Đồng thời, với tài xế bị trừ điểm giấy phép lái xe nhưng 1 hoặc 2 năm sau không xảy ra vi phạm, không bị trừ điểm thì cũng phải có quy định về việc cộng lại điểm đã bị trừ.

Khi GPLX bị trừ về điểm 0 có nghĩa là GPLX đó không còn giá trị sử dụng, tài xế buộc phải nộp lại GPLX và cơ quan có thẩm quyền phải thông báo hủy bỏ GPLX. Tài xế bắt buộc phải học và thi lại bằng lái xe mới đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Điều này là cần thiết giúp lái xe được cập nhật kiến thức và các kỹ năng mới, nhất là các kỹ năng lái xe trên đường cao tốc, góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu tai nạn giao thông.

Nếu dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được thông qua, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật cần rà soát toàn bộ các quy định có liên quan, xây dựng hệ thống dữ liệu đồng bộ, hiệu quả có thể xử phạt và trừ điểm GPLX tự động không để xảy ra sai sót. Đặc biệt, cần có biện pháp giám sát, ngăn chặn tiêu cực có thể xảy ra như tài xế sẽ có thể “hối lộ”, "xin xỏ" để không bị trừ điểm GPLX.