Đề xuất thí điểm dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã

ANTĐ - Hôm qua, 4-1, TP Hà Nội đã tổ chức tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn. Bên cạnh việc đề xuất thí điểm nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã, thị trấn, TP Hà Nội cũng đề xuất, nên thành lập Tòa án Hiến pháp để giám sát những cơ quan như Quốc hội, Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ...

Trước mắt, nên thí điểm để dân bầu Chủ tịch UBND xã, thị trấn

Phân tích về một số khó khăn trong thi hành Hiến pháp 1992, TP Hà Nội cho rằng, dù có quy định “bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu”. Thế nhưng, việc này lại chưa được quy định bắt buộc bỏ phiếu theo định kỳ. Ngoài ra, việc phân định trách nhiệm giữa cá nhân và tập thể UBND chưa rõ ràng, chưa đề cao được tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của cá nhân. TP cũng đề nghị, cần hạn chế tối đa số đại biểu cơ quan hành chính các cấp tham gia HĐND.

Liên quan tới việc bổ nhiệm hay bầu trực tiếp đối với chức danh người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, TP Hà Nội cho rằng, cần nghiên cứu xem xét và cân nhắc kỹ hơn. Việc bổ nhiệm hay bầu nên được cụ thể hóa tại Luật, trong đó, có cân nhắc tới các yếu tố phát sinh trong trường hợp bầu trực tiếp. Mặt khác, nếu để nhân dân bầu trực tiếp, phải xây dựng các quy định về thẩm quyền và mối quan hệ giữa HĐND và người đứng đầu cơ quan hành chính.

TP Hà Nội nêu quan điểm: “Trước mắt, nên thí điểm bầu chức danh Chủ tịch UBND xã, thị trấn. Đối với chức danh Chủ tịch UBND TP, sẽ do HĐND bầu và Thủ tướng phê chuẩn kết quả. Còn các chức danh như Chủ tịch UBND TP trực thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND Thị xã sẽ do HĐND bầu và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phê duyệt. Chủ tịch Ủy ban hành chính quận, huyện, phường (nếu sau này Quốc hội quyết định không có HĐND) sẽ do người đứng đầu cơ quan hành chính cấp trên bổ nhiệm. TP Hà Nội cũng đề nghị nghiên cứu và thí điểm việc nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban hành chính quận, huyện, xã, phường. Đây là vấn đề được lãnh đạo TP Hà Nội đánh giá “mang tính thời sự rất cao”.

Đáng chú ý, TP Hà Nội cũng đề xuất bổ sung quy định trong Hiến pháp về thành lập Tòa án Hiến pháp hoặc cơ quan chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thi hành Hiến pháp, pháp luật của các cơ quan như Quốc hội, Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương và cơ quan tư pháp. TP nêu ý kiến, “ còn có sự lẫn lộn giữa quyền lập pháp và quyền tài phán (quyền tư pháp) trong hoạt động của Quốc hội”. Trong khi đó, các hoạt động tài phán tương tự ở các nhà nước pháp quyền khác trên thế giới được giao cho một cơ quan chuyên trách có chức năng giám sát và bảo vệ Hiến pháp thực hiện.

Phát biểu tại hội nghị, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Ban Chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 đánh giá, Hà Nội có nhiều ý kiến xác đáng trong báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992. Đại tướng đề nghị TP Hà Nội tiếp tục thảo luận dân chủ, tiếp thu tối đa ý kiến của cơ sở để hoàn chỉnh báo cáo. “Cần quan tâm tới đặc thù quản lý Nhà nước đối với Thủ đô. Thủ đô không phải của riêng Hà Nội mà của cả nước, của dân tộc Việt Nam. Cần chuẩn bị thật kỹ các nội dung mang tính đặc thù, có sức thuyết phục để Quốc hội xem xét, thông qua Luật Thủ đô, bảo đảm xây dựng Hiến pháp mới có giá trị lâu dài” - Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh.

Cũng tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, sửa đổi Hiến pháp lần này là căn cứ vào tình hình đất nước. Ông nói: “Đất nước đang hội nhập một cách sâu rộng vào đời sống quốc tế nên cần phải nhìn nhận cả sự vận động của đời sống quốc tế. Hơi nghiêng quá về một phương diện nào đó cũng không được. Vấn đề này phải được xử lý hết sức thận trọng...”. Ngoài ra, cần đánh giá đúng thực trạng thi hành Hiến pháp những năm qua, nhất là những vướng mắc, khó khăn. Bí thư Thành ủy cũng cho rằng, Hà Nội phải góp ý kiến về địa vị của Thủ đô. Ông nói: “Chúng ta nên đặt ra vấn đề để mở rộng thảo luận, nhất là việc Hà Nội mong muốn có cơ chế đặc thù để phục vụ phát triển Thủ đô. Đương nhiên, vấn đề nêu ra phải được thuyết minh thật sâu sắc, đủ sức thuyết phục...”.