Đề xuất sáp nhập VinaPhone và MobiFone là vi phạm luật?

ANTĐ - "Kịch bản nào cho thị trường viễn thông Việt Nam?” là vấn đề nóng đang được công chúng, cơ quan quản lý và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, nhất là sau khi Quy hoạch phát triển viễn thông đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong buổi tọa đàm do CLB Nhà báo về công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức chiều 12-9 với chủ đề "Kịch bản nào cho thị trường viễn thông Việt Nam?”, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là việc sáp nhập giữa các DN viễn thông, đặc biệt là VinaPhone - MobiFone. 
Theo ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông: "Quan điểm của tôi cho rằng việc xảy ra hôm nay như một số DN rời bỏ thị trường, sáp nhập cũng là điều phát triển bình thường. Khi phát triển ở 1 mức độ, DN đủ mạnh thì tiếp tục tồn tại. DN không có khả năng hoặc chưa tận dụng hết năng lực kinh doanh của mình thì rời khỏi thị trường".

Cũng theo ông Hải, trong quá trình mua bán, sáp nhập, cơ cấu lại DN, nếu môi trường pháp lý không hoàn thiện sẽ tồn tại hành vi cạnh tranh không lành mạnh, DN thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh lại sống sót, còn DN không tuân thủ lại không sống sót được thì phải xem lại.

Đề xuất sáp nhập VinaPhone và MobiFone là vi phạm luật? ảnh 1
"Phải hoàn thiện lại môi trường pháp lý theo môi trường kinh doanh viễn thông theo kinh tế thị trường, giúp thị trường phát triển bền vững hơn trong thời gian tới", ông Hải nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Võ Trí Thành – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, vấn đề của cơ quan quản lý trong đó có Bộ Thông tin Truyền thông là phải bảo vệ và duy trì áp lực cạnh tranh mà biện pháp tốt nhất để duy trì áp lực cạnh tranh trên thị trường viễn thông là đẩy nhanh cổ phần hóa các mạng di động. 

Ông Thành cho biết, nếu 3 công ty di động lớn nhất chiếm tới 95% thị trường (Viettel, MobiFone, VinaPhone) đều 100% thuộc sở hữu nhà nước thì sẽ khó duy trì áp lực cạnh tranh, chính vì vậy đề xuất sáp nhập VinaPhone - MobiFone của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông là không thể làm.

Lý do được ông Thành đưa ra, đó là vụ sáp nhập này sẽ vi phạm Luật Cạnh tranh, bên cạnh đó trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, việc sáp nhập 2 doanh nghiệp viễn thông chiếm thị phần chi phối trên thị trường sẽ là một tín hiệu tiêu cực với quá trình cải cách.

Ông Thành nhấn mạnh: "Đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông cần sớm có thông tin rõ ràng, minh bạch về vấn đề này".

Cùng quan điểm trên, ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty luật TNHH Quốc tế Ban Mai Việt Nam: cho rằng, việc tập trung kinh tế vào 1 – 2 nhà mạng vô cùng nguy hiểm. 

"Tập trung quyền lực, tâp trung kinh tế vào 2 nhà mạng lớn để các nhà mạng nhỏ chết dần thì không phải kịch bản tốt", ông Hùng nói.

Nói về kịch bản tốt nhất cho thị trường viễn thông Việt Nam, theo ông Võ Trí Thành cho biết: "Kịch bản tốt nhất là tạo được áp lực cạnh tranh thường xuyên lên thị trường. Cấu trúc thị trường không tĩnh mà sẽ chuyển động. Trong những biện pháp ấy, tôi rất muốn nhìn 1 cái chắc sẽ diễn ra là câu chuyện cổ phần hóa vì sẽ tạo ra kỹ năng quản trị, công nghệ mới, phù hợp với cam kết mở cửa thị trường Việt Nam sắp tới".