Đề xuất phương án biến khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu thành công viên cao không quá 5m

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - KTS Jean Francois Milou (Pháp) đến từ văn phòng Studio Milou Singapore chia sẻ ý tưởng biến khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu thành công viên cao không quá 5m.

Đề xuất của kiến trúc sư Jean Francois Milou được chia sẻ tại buổi tọa đàm khoa học “Phát huy giá trị không gian khu khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long” diễn ra vào chiều ngày 13/4 tại Hà Nội.

Buổi tọa đàm được tổ chức bởi UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Tòa thị chính thành phố Toulouse và Cơ quan phát triển Pháp.

Jean Francois Milou là kiến trúc sư quốc tịch Pháp, đã tham gia rất nhiều các dự án tại khu vực Châu Á. Ông hiện đang sinh sống tại Singapore. Tại đây, văn phòng Studio Milou Singapore mới hoàn thành dự án "Bảo tàng nghệ Thuật Quốc Gia Singapore" và tham gia rất nhiều các dự án tại châu Âu và châu Á, trong các dự án về tái sử dụng các công trình di sản hiện trạng và xây dựng trong đó các bảo tàng với những chủ đề khác nhau.

Ý tưởng biến khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu thành công viên của kiến trúc sư Jean Francois Milou

Ý tưởng biến khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu thành công viên của kiến trúc sư Jean Francois Milou

Theo kiến trúc sư Jean Francois Milou, khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu là một địa điểm mang đặc trưng riêng của Hà Nội trong quá khứ và tương lai. Do yêu cầu về quy hoạch rất nghiêm ngặt của khu vực này, nên vị kiến trúc sư này cho rằng chỉ có thể xây dựng nơi đây thành một công trình không cao quá 5m. Khi đó có thể nói, nơi đây giống như một công viên, dành riêng cho khu khảo cổ học của Hoàng Thành Thăng Long.

Khu công viên này sẽ được nhìn thấy từ phía Tòa nhà Quốc hội. Hình ảnh hai công trình kế bên nhau biểu tượng cho mối liên hệ giữa Hà Nội ngày nay và Hà Nội trong quá khứ. Đây là thông điệp mang tính biểu tượng rất cao. Đồng thời hình ảnh công viên được thiết kế trải theo phương ngang của công viên không hề làm ảnh hưởng đến hình ảnh của công trình nhà quốc hội.

Bước vào trong, người dân có thể thấy một không gian trải theo chiều ngang và sẽ thấy hình ảnh một khu vườn với thông điệp rõ ràng. Đó là không gian mặt nước, cảnh quan, cây xanh và thảm cỏ lớn.

"Điều chúng tôi thấy trong dự án này, đó là cơ hội tạo nên một trong những công viên đẹp nhất của Hà Nội, và mang tới khuôn viên công viên tuyệt đẹp này những diễn giải khoa học về những gì đã diễn ra tại Thăng Long - Hà Nội trong quá khứ", kiến trúc sư nhấn mạnh.

Khu vườn này không chỉ là khu vườn cảnh quan thông thường. Khách tham quan sẽ thấy thoáng qua các pavilion (ngôi nhà tạm - lều nghỉ chân). Trong các pavilion này, khách tham quan sẽ thấy các điểm thông tin về khảo cổ học cùng với lối tiếp cận xuống các khu khảo cổ. Du khách sẽ hiểu rằng trên nền của khu vườn này còn có một tầng lớp thông tin nữa. Đó là câu chuyện về Thăng Long - Hà Nội trong quá khứ.

Ý tưởng này mở ra không gian chiêm nghiệm và nghỉ ngơi dành cho người dân

Ý tưởng này mở ra không gian chiêm nghiệm và nghỉ ngơi dành cho người dân

Một nhân tố quan trọng nhất của khu vườn này, tất nhiên đó chính là bảo tàng khảo cổ học ngầm rộng lớn với lối tiếp cận trực tiếp tới các hố khảo cổ. Khu vực bảo tàng khảo cổ học Hoàng Thành Thăng Long như mọi người thấy được bao phủ một trong những khu vực khai quật quan trọng nhất và giới thiệu trực quan tới công chúng qua những thông tin trưng bày rõ ràng. Đồng thời đây cũng là một không gian rất hấp dẫn bao quanh bởi các hiên ngoài trời, với cảnh quan đài phun nước và cây cối.

Có thể nói, với chiều cao không quá 5m của quy hoạch đã mang đến một thiết kế theo phương ngang rất đặc trưng và du khách có thể dễ dàng tiếp cận đến các không gian khác nhau.

Đó là một giải pháp linh hoạt, một mặt có thể đảm bảo điều kiện thoải mái nhất cho du khách tham quan, mặt khác đảm bảo điều kiện về khí hậu tốt nhất cho việc lưu trữ các hố khảo cổ đã khai quật. Bên trong bảo tàng, du khách sẽ được tiếp cận tới các khu khảo cổ học từ khoảng cách rất gần.

Bảo tàng khảo cổ học sẽ mang đến một thông điệp có chiều sâu hơn tới những du khách mong muốn được tìm hiểu kỹ hơn về điều đã xảy ra tại khu vực khảo cổ này, cũng như với Thăng Long - Hà Nội trước đây.

Do vậy, kiến trúc sư ean Francois Milou đã đề xuất dọc theo tuyến tham quan những điểm diễn giải thông tin với các hình thức bổ sung như hiện vật, mô hình, văn bản... nhằm giúp du khách hiểu thêm về những gì đã diễn ra tại thời điểm đó tại địa điểm này.

Du khách sẽ thấy một phòng chiếu phim dành riêng giới thiệu chung mô phỏng về Hoàng Thành Thăng Long trước đây. Và đây cũng sẽ là lời giới thiệu đầu tiên dành cho du khách viếng thăm bảo tàng.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Quang cảnh buổi tọa đàm

Tọa đàm khoa học “Phát huy giá trị không gian khu khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội” là dịp trao đổi, học tập kinh nghiệm của những người làm công tác quản lý, nghiên cứu khai quật và bảo tồn di sản khảo cổ học trong nước và quốc tế, từ đó nêu lên định hướng cho công tác phát huy giá trị các di sản Khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã cùng đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng công trình trên di tích khảo cổ; các phương án bảo tồn di tích trước thách thức của thời tiết, khí hậu; các giải pháp về ánh sáng, nhiệt độ, không gian cho bảo tồn di tích… cũng như những định hướng phát huy giá trị di sản khác để hướng tới mục tiêu quản lý bền vững.

Chẳng hạn về phương án bảo tồn khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu, PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam đề xuất xây dựng một bảo tàng tại chỗ mang chủ đề các dấu tích Cung điện Thăng Long. Mô hình tốt nhất, theo PGS.TS Tống Trung Tín là học tập theo mô hình của Pháp ở Ferigeux, với thiết kế đẹp và bền vững - là một trong những thiết kế đẹp nhất trong tất cả bảo tàng tại chỗ hiện có trên thế giới. Cùng với đó, là các giải pháp bổ trợ để phát huy hiệu quả giá trị Khu di sản như: Nghiên cứu tiến đến khôi phục không gian Chính điện Kính Thiên, nghiên cứu xây dựng Bảo tàng Hoàng cung Thăng Long, nghiên cứu phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc Hoàng cung Thăng Long.

Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Đình Thành nhận định, việc xây dựng bảo tàng tại chỗ cần cân nhắc các giải pháp xây dựng, cũng như các bước từ bản vẽ đến thi công, tránh nguy cơ gây tổn hại cho di sản, ảnh hưởng tới hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị sau này.