|
ĐBQH Thạch Phước Bình phát biểu thảo luận chiều 31-10 |
Chiều 31-10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Một trong những nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm là tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế trong khám chữa bệnh BHYT thời gian vừa qua.
ĐBQH Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) chỉ ra, thời gian qua, do thiếu thuốc, thiết bị y tế trong khám chữa bệnh BHYT, người bệnh phải tự mua ở bên ngoài, ảnh hưởng tới tài chính. Báo cáo năm 2022, có tới 40% bệnh nhân phải mua thuốc và vật tư y tế bên ngoài khi khám chữa bệnh ở cơ sở y tế tuyến huyện.
Mặt khác, các bệnh viện hiện nay thường hoàn trả chi phí BHYT cho người bệnh sau khi người bệnh đã xuất viện. ĐBQH Thạch Phước Bình dẫn số liệu của bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam năm 2023, có tới 60% người bệnh thuộc khu vực nông thôn gặp khó khăn trong bồi hoàn chi phí BHXH do khoảng cách xa và kéo dài.
Do đó, ĐBQH đề xuất bổ sung vào dự thảo luật quy định: cơ sở khám chữa bệnh phải chịu trách nhiệm đảm bảo đủ vật tư, thuốc BHYT cho người bệnh. Trường hợp bệnh nhân phải mua ngoài do thiếu thuốc, thiết bị y tế, cơ sở khám chữa bệnh phải hoàn trả chi phí trước khi bệnh nhân xuất viện.
“Quy định như vậy sẽ giúp bệnh nhân BHYT được bảo đảm quyền lợi, giảm thủ tục hành chính không cần thiết, rút ngắn thời gian xử lý” – ông Bình nói.
Cùng trăn trở trên, ĐBQH Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) đề nghị, dự thảo luật cần bổ sung thêm điều khoản quy định nội dung thanh toán BHYT cho bệnh nhân phải mua thuốc và vật tư y tế bên ngoài khi cơ sở khám chữa bệnh không có thuốc và vật tư y tế, nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân.
|
ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận |
Vẫn liên quan đến đảm bảo quyền lợi cho người bệnh BHYT, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) phản ánh, hiện nay, quỹ BHYT chưa thanh toán cho các dịch vụ có tính chất dự phòng và sàng lọc.
Trong khi đó, các bệnh như ung thư, tăng huyết áp và đái tháo đường hiện đang chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí điều trị và nếu được phát hiện sớm, các chi phí này chắc chắn sẽ giảm đáng kể, người bệnh cũng tránh được nhiều biến chứng nguy hiểm.
“Theo các nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, nếu phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp, chi phí điều trị chỉ khoảng 5 triệu đồng/năm, trong khi điều trị biến chứng muộn có thể lên đến 92 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, các dịch vụ dự phòng này vẫn chưa được BHYT chi trả, gây lãng phí tiềm năng phòng ngừa bệnh tật của hệ thống y tế” – bà Hà dẫn chứng.
Vì thế, ĐBQH Nhị Hà kiến nghị bổ sung khoản 1 Điều 21 dự thảo Luật BHYT sửa đổi lần này nội dung thanh toán BHYT cho các danh mục dự phòng, sàng lọc định kỳ; giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể danh mục bệnh, tần suất, khung giá các dịch vụ này.
Nữ ĐBQH đoàn Hà Nội cũng cho biết, theo quy định tại dự thảo luật, chỉ một số nhóm đối tượng có thẻ BHYT mới được thanh toán chi phí vận chuyển trong trường hợp cấp cứu hoặc chuyển viện. Điều này tạo ra sự thiếu công bằng cho các đối tượng còn lại.
Mặt khác, quỹ BHYT vẫn chưa chi trả cho dịch vụ cấp cứu ngoại viện, điều này là chưa hợp lý bởi về chuyên môn, cấp cứu trong “thời điểm vàng” giúp giảm nguy cơ bệnh nhân chuyển nặng và tiết kiệm chi phí điều trị lâu dài, cũng chính là giảm gánh nặng cho BHYT.
Do đó, ĐB Trần Thị Nhị Hà kiến nghị cần bổ sung quy định: mọi đối tượng có thẻ BHYT đều được thanh toán chi phí vận chuyển trong trường hợp cần thiết nhằm đảm bảo người có thẻ BHYT được hưởng các quyền lợi công bằng; đồng thời bổ sung quy định thanh toán dịch vụ cấp cứu ngoại viện.