Đề xuất mua bất động sản phải đặt cọc không quá 10% giá bán, không bắt buộc qua sàn giao dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo một số ĐBQH, thực tế có tình trạng chủ đầu tư bắt đặt cọc tiền mua dự án tới 30-50% tổng giá trị nhằm huy động vốn, sau đó có dự án không triển khai được khiến người mua nguy cơ mất tiền...
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo tại hội nghị

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo tại hội nghị

Sáng nay, 29-8, hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách đã thảo luận về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Trình bày báo cáo về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo luật trình ra hội nghị này đã bỏ 09 điều, bổ sung 01 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 vào tháng 5 vừa qua. Dù vậy, hiện vẫn còn một số nội dung có ý kiến trái chiều.

Về quy định giao dịch bất động sản qua sàn, nhiều ý kiến đề nghị không quy định bắt buộc mà chỉ khuyến khích giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản. Một số ý kiến khác nhất trí về quy định các loại giao dịch bất động sản phải bắt buộc thông qua sàn.

Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, các sàn giao dịch bất động sản hiện nay chỉ làm chức năng quảng cáo cho các chủ đầu tư và làm môi giới bất động sản, chưa thực hiện hết chức năng của mình như: báo cáo thông tin về tình hình giao dịch bất động sản, kiểm tra tính pháp lý của các sản phẩm bất động sản trước khi đưa vào giao dịch…

Hơn nữa, các sàn giao dịch bất động sản câu kết với những bên giao dịch để trốn thuế, lũng đoạn thị trường, cung cấp thông tin không chính xác; cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương không quản lý được hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản…

“Việc bắt buộc giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản là không phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, cản trở quyền tự do kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng quy định của pháp luật để độc quyền, làm lũng đoạn thị trường” – ông Thanh nêu.

Do đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa theo hướng: bỏ quy định về các giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản tại Chương VII dự thảo Luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư và khách hàng được tự do lựa chọn phương thức giao dịch.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận

Liên quan đến vấn đề đặt cọc, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, hiện có 2 phương án cho nội dung này.

Phương án 1: Chủ đầu tư chỉ được thu tiền đặt cọc khi dự án có thiết kế cơ sở được cơ quan nhà nước thẩm định và chủ đầu tư có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất. Số tiền đặt cọc không vượt quá 10% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng.

Phương án 2: Chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh và đã thực hiện giao dịch theo đúng quy định của Luật này.

Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với phương án 1. Về số tiền đặt cọc, theo ông Thanh, số tiền này cần được quy định ở mức hợp lý nhằm bảo đảm mục đích của việc đặt cọc không phải là để doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhận tiền đặt cọc như một kênh huy động vốn.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu thảo luận

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu thảo luận

Thảo luận tại hội nghị, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, tiền đặt cọc nếu không quy định số tiền tối đa, sẽ có nhiều rắc rối phát sinh. Thực tế vấn đề đặt cọc đang rất lộn xộn do thiếu quy định cụ thể về vấn đề này. Từ đó dẫn đến tình trạng chiếm dụng vốn, huy động tiền đặt cọc quá nhiều, có dự án tới 30 - 50% tổng giá trị, có dự án không triển khai được, người mua nguy cơ mất tiền.

Bà Nga nhất trí với quy định về thời điểm đặt cọc như phương án 1, được thu tiền đặt cọc khi dự án có thiết kế cơ sở và số tiền không vượt quá 10%. Theo bà, quy định như vậy đảm bảo chắc chắn dự án sẽ được triển khai, không có trở ngại pháp lý, người mua không bị lừa vốn.

Về nội dung giao dịch bất động sản qua sàn, ĐBQH Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) ủng hộ phương án không quy định bắt buộc phải thông qua sàn, để đảm bảo quyền lợi của người mua. “Bỏ thông qua sàn rất cần thiết, thay vào đó, Nhà nước chỉ nên khuyến khích giao dịch thông qua sàn” - ông Hoà góp ý.