Đề xuất mới về quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng sẽ tạo thêm "gánh nặng" cho doanh nghiệp?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo các chuyên gia, một số quy định tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) là không khả thi hoặc chưa phù hợp với quy định pháp luật khác có liên quan.
Cần giải pháp ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng Internet

Cần giải pháp ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng Internet

Bà Lưu Hương Ly- Vụ Pháp luật Dân sự- Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng có một số nội dung cần xem xét lại, trong đó có việc xử lý thông tin cá nhân người dùng.

Dự thảo Nghị định có một số quy định yêu cầu hoặc cho phép thu thập, lưu trữ, tiết lộ, xử lý thông tin cá nhân của người sử dụng Internet mà không cần sự đồng ý của họ như quy định tại Điều 24 khoản 8 điểm b; Điều 26 khoản 3 (đ); Điều 30 khoản 2; Điều 38 khoản 10; Điều 51 khoản 1 (đ); Điều 60 khoản 1 (đ); Điều 66 khoản 4; Điều 68; Điều 81.

Đặc biệt, Điều 24 khoản 8 điểm b dự thảo Nghị định quy định “Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng không được tiết lộ thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ trừ trường hợp (…).

Các tổ chức, doanh nghiệp có thỏa thuận với nhau bằng văn bản về việc cung cấp thông tin cá nhân để phục vụ cho việc tính cước, lập hóa đơn, chứng từ và ngăn chặn hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng”.

Theo bà Lưu Hương Ly, các quy định này chưa phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 38 Bộ luật dân sự 2015 và khoản 2 Điều 9 Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân về quyền của cá nhân đối với thông tin cá nhân của mình.

Tương tự, Điều 82 của dự thảo về giám sát thông tin trên mạng quy định: Doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet có trách nhiệm triển khai các biện pháp giám sát, thu thập, phát hiện thông tin vi phạm pháp luật trên hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng của doanh nghiệp.

“Quy định này chưa phù hợp với quy định về miễn trừ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định tại Điều 198b Luật Sở hữu trí tuệ”- bà Lưu Hương Ly nói.

Theo ông Vũ Tú Thành- Phó Giám đốc điều hành, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ- ASEAN (USABC), các nghĩa vụ về gỡ bỏ, tạm khóa, giám sát, rà quét, chặn lọc, tạm khoá nội dung, tài khoản trong dự thảo nếu không có hướng dẫn rõ ràng, không xét đến bản chất toàn cầu của Internet thì có thể dẫn đến nguy cơ cô lập Việt Nam khỏi cuộc xu hướng Internet mở toàn cầu.

“Bên cạnh đó, các yêu cầu tạm khoá và khoá vĩnh viễn các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung, chặn và gỡ bỏ ứng dụng là quá nhiều và không khả thi về mặt vận hành.

Dự thảo mới cũng đã mở rộng cơ sở pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp quản lý thông tin để điều chỉnh mọi hành vi “vi phạm pháp luật Việt Nam”. Điều này gây gánh nặng lớn cho doanh nghiệp”- ông Vũ Tú Thành nhận xét.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Quang Đồng- Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) cũng đánh giá, một số nội dung của dự thảo quy định doanh nghiệp viễn thông phải thu thập, lưu giữ thông tin… sẽ làm gia tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp Việt Nam.

Cụ thể như doanh nghiệp phải bố trí nhân sự chịu trách nhiệm giám sát, thu thập, phát hiện thông tin vi phạm pháp luật trên hạ tầng kĩ thuật của mình; Bố trí nhân sự chịu trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung vi phạm pháp luật trên hạ tầng kĩ thuật của mình…

Ông Đậu Anh Tuấn- Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các quy định cần đề ra theo hướng cân bằng, vừa đảm bảo vai trò quản lý của Nhà nước, vừa đảm bảo ngành công nghiệp số phát triển.

Vẫn còn những quy định đang đặt ra lo ngại dẫn đến “bảo hộ ngược”, tạo gánh nặng về chí phí tuân thủ cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đặt trụ sở tại Việt Nam, trong khi chưa thể quản lý được các doanh nghiệp xuyên biên giới.

Với các quy định như vậy, theo ông Đậu Anh Tuấn, doanh nghiệp Việt Nam sẽ trở nên kém cạnh tranh hơn, gây ra hiện tượng các doanh nghiệp trong nước phải ra nước ngoài thành lập doanh nghiệp, tạo hiệu ứng không tốt cho kinh tế Việt Nam.