Đề xuất gói kích thích kinh tế lần hai

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa đề xuất gói kích thích kinh tế lần 2 và lấy ý kiến các Bộ, ngành nhằm vực dậy nền kinh tế sau Covid-19. Theo đó, hàng không, du lịch và tiêu dùng sẽ được ưu tiên.
Ngành hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19

Ngành hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19

Là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch Covid-19, hàng không đang gánh chịu những hậu quả nặng nề. Bộ KH-ĐT đề xuất chính sách để tháo gỡ khó khăn cho ngành này.

Theo đó, Bộ KH-ĐT đề xuất Chính phủ bảo lãnh các khoản vay cho các doanh nghiệp hàng không; Nghiên cứu cơ chế cho Tổng Công ty Kinh doanh và đầu tư vốn nhà nước (SCIC) được phép đầu tư vào các doanh nghiệp hàng không theo cơ chế đặc thù, nhằm tách bạch kết quả hoạt động đầu tư này với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh chung của doanh nghiệp.

Dự kiến, nguồn lực dành cho doanh nghiệp hàng không khoảng 11 nghìn tỷ đồng. Bộ KH-ĐT cho rằng, chính sách này sẽ hỗ trợ dòng tiền và thanh khoản cho các doanh nghiệp hàng không, tránh việc các doanh nghiệp này phải tuyên bố phá sản, gây ra tác động bất ổn cho kinh tế - xã hội.

Bộ KH-ĐT cũng cho biết, một số quốc gia khác cũng có chính sách hỗ trợ ngành hàng không như: Mỹ ban hành gói hỗ trợ 58 tỷ USD; Đức dành 9 tỷ Euro mua cổ phần của Lufthansa …

Ngoài ra, Bộ KH-ĐT còn đề xuất giảm 70% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong cả năm 2021 nhằm giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp hàng không.

Đối với các doanh nghiệp lữ hành, Bộ KH-DDT đề xuất giảm 80% số tiền ký quỹ trong thời hạn 2 năm với mục đích tạo dòng tiền vào, giúp doanh nghiệp duy trì, cầm cự và có nguồn tiền làm vốn lưu động, sản xuất.

Khoản tiền ký quỹ từ 100 đến 500 triệu đồng (tùy thuộc loại hình kinh doanh) nằm ở các ngân hàng thương mại và được hoàn trả khi chấm dứt kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Bên cạnh đó, Bộ KH-ĐT đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định 41/2020/NĐ-CP đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh của dịch Covid-19 thêm 5 tháng.

Với đề xuất mới, Bộ KH-ĐT cũng kiến nghị cho lao động được tạm dừng đóng phí công đoàn tối đa 12 tháng (tương tự chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất).

Ngoài 2 lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nêu trên, trong đề xuất mới, Bộ KH-ĐT cũng đưa ra giải pháp để kích thích tiêu dùng. Theo đó, Bộ KH-ĐT đề xuất giảm thuế suất giá trị gia tăng (VAT) đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để kích cầu tiêu dùng nội địa.

Việc giảm thuế VAT có tác dụng giảm giá cả hàng hóa, dịch vụ và có lợi đối với người tiêu dùng, từ đó có thể kích thích mua sắm, kích cầu nền kinh tế. Ước tính việc giảm 1% thuế VAT có thể kích thích tăng tiêu dùng cuối cùng tương đương 0,2% GDP.

Tuy nhiên, theo Bộ KH-ĐT, chính sách này có thể tác động mạnh tới nguồn thu ngân sách Nhà nước và có thể sẽ vi phạm các nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa hàng hóa trong nước và hàng hóa nhập khẩu.

Đối với người lao động, Bộ KH-ĐT đề xuất chính sách mới hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động dễ bị tổn thương (vừa mất việc và vừa nuôi con nhỏ).

Đối tượng hỗ trợ là người lao động đang thuê nhà và (hoặc) nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; nghỉ việc không hưởng lương.

Về cách thức, Bộ KH-ĐT đề xuất hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn (tiền thuê nhà, chi phí nuôi con dưới 6 tuổi). Mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người (hộ gia đình)/tháng hoặc 1 triệu đồng/trẻ em dưới 6 tuổi, hỗ trợ tối đa 3 tháng.

Tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến khoảng 3.600 tỷ đồng và thời gian thực hiện từ tháng 11-2020 đến hết tháng 1-2021.