Đề xuất cấp gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng để phá băng thị trường bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước tình trạng thị trường bất động sản đóng băng như hiện nay, bên cạnh các giải pháp về thể chế, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ cấp gói tín dụng gấp gần 4 lần gói 30.000 tỷ đồng trước đây để hỗ trợ vay...
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị

Sáng nay, 17-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”. Đây là một hội nghị hết sức quan trọng, được cả cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân quan tâm.

Vì thế, Thủ tướng đề nghị phải đánh giá khách quan, trung thực tình hình thị trường bất động sản hiện nay, tìm điểm cân bằng giữa cung và cầu, đưa ra giải pháp. Trên cơ sở đó, Chính phủ dự kiến sẽ ban hành một Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản để tổ chức thực hiện hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc hài hoà lợi ích.

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, năm 2022, nguồn cung bất động sản, nhà ở khan hiếm, cơ cấu sản phẩm nhà ở nghiêng về phân khúc nhà ở trung - cao cấp, nhà ở cho người thu nhập thấp thiếu.

Lượng giao dịch thành công trong các quý trong năm 2022 không ổn định, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền thành công tăng cao nhất vào quý II sau đó giảm và thấp nhất vào quý IV.

Giá bất động sản nhà ở, đất nền năm 2022 liên tục tăng trong quý I và quý II; quý III chững lại; quý IV có điều chỉnh giảm ở một số dự án nhưng không nhiều.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh báo cáo tại hội nghị

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh báo cáo tại hội nghị

Đặc biệt, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản trong quý IV/2022 là gần 800.000 tỷ đồng. Tính đến 25/12/2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 2 triệu tỷ đồng, riêng của doanh nghiệp bất động sản là khoảng trên 400.000 tỷ đồng (chiếm khoảng trên 30%).

Theo ông Nguyễn Văn Sinh, năm 2022, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp rất nhiều khó khăn do: khó tiếp cận được các nguồn vốn; lãi suất, tỉ giá ngoại tệ, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng; không bán được sản phẩm;....

Qua rà soát, Bộ Xây dựng cho biết, một số nguyên nhân chính dẫn đến thị trường bất động sản "đóng băng" là: pháp luật về đất đai chưa hoàn thiện, nhất là vướng mắc trong xác định giá đất; các khó khăn về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; về giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội…

Đặc biệt, các doanh nghiệp bất động sản đều phản ánh rất khó khăn trong tiếp cận, vay vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Lãi suất cho vay giai đoạn cuối năm 2022 tăng cao, gây áp lực rất lớn cho doanh nghiệp và người kinh doanh.

Ngoài ra, việc xử lý vi phạm một số tổ chức, cá nhân trong thời gian qua liên quan việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư…

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết thêm, thời gian vừa qua, nhiều thông tin xã hội không chính xác, không chính thống về tài chính, tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu, xử lý vi phạm tại một số doanh nghiệp đã gây tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư dẫn đến e ngại, nghe ngóng, tạm dừng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản mà chuyển sang các kênh đầu tư khác.

Từ thực tiễn đó, lãnh đạo Bộ Xây dựng kiến nghị sớm hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi); thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.

Về giải pháp cấp bách trước mắt để "phá băng" cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt, khơi thông vốn tín dụng, nới trần (room) tín dụng phù hợp năm nay và các năm tiếp theo.

Ngành ngân hàng cần có biện pháp giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường. Ngoài ra, các chính sách tín dụng cũng cần tạo điều kiện để người mua nhà, doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận được.

Đáng chú ý, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ bố trí gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng trước đây) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay…

Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng đề xuất kiểm soát hoạt động huy động vốn trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá. Giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục