- Hà Nội sắp công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030
- Hai tuyến cao tốc nào vừa được bổ sung vào quy hoạch?
|
Trường hợp thành phố Hà Nội và TP. HCM không tổ chức riêng Sở Quy hoạch - Kiến trúc thì sáp nhập, chuyển chức năng, nhiệm vụ về Sở Xây dựng |
Bộ Nội vụ vừa có văn bản gửi các bộ, ngành lấy ý kiến vào dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nghị định này quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) và tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện).
Dự thảo Nghị định đề xuất quy định các sở được tổ chức thống nhất ở các địa phương. Cụ thể bao gồm: Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND.
Bộ Nội vụ cũng đề xuất quy định các sở đặc thù được tổ chức ở một số địa phương. Cụ thể gồm: Sở Ngoại vụ, Sở Dân tộc và Tôn giáo, Sở Du lịch, Sở Quy hoạch Kiến trúc.
Sở Ngoại vụ được thành lập khi đáp ứng một trong các tiêu chí sau: Có cửa khẩu quốc tế đường bộ; Có cửa khẩu quốc tế đường hàng không; Có cảng biển quốc tế;
Có từ 500 dự án đầu tư nước ngoài trở lên (hoặc có tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 100.000 tỷ Việt Nam đồng) đang hoạt động tại địa phương, có trên 4.000 người nước ngoài hiện đang sinh sống và làm việc tại địa phương, có kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm đạt từ 100.000 tỷ đồng trở lên, đã ký kết thỏa thuận về hợp tác quốc tế với 5 địa phương trở lên.
Đối với các địa phương không tổ chức riêng Sở Ngoại vụ thì sáp nhập, chuyển chức năng, nhiệm vụ về Văn phòng UBND cấp tỉnh.
Đối với Sở Dân tộc và Tôn giáo được thành lập khi đáp ứng đủ các tiêu chí sau: Có ít nhất 20.000 người dân tộc thiểu số sống tập trung thành cộng đồng làng, bản;
Có ít nhất 5.000 người dân tộc thiểu số đang cần Nhà nước tập trung giúp đỡ, hỗ trợ phát triển;
Có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn xung yếu về an ninh, quốc phòng; địa bàn xen canh, xen cư; biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số nước ta và nước láng giềng thường xuyên qua lại.
Đối với các địa phương không tổ chức riêng Sở Dân tộc và Tôn giáo thì sáp nhập và chuyển chức năng, nhiệm vụ về Sở Nội vụ.
Sở Du lịch được thành lập khi đáp ứng đủ các tiêu chí sau: Có di sản văn hóa vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản thế giới hoặc có tài nguyên và tiềm năng du lịch nổi trội (có khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia hoặc đô thị du lịch, điểm tham quan, nghỉ dưỡng có quy mô lớn, nổi bật);
Ngành du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và có giá trị kinh tế từ du lịch đóng góp vào tổng sản phẩm nội địa (GDP) hàng năm của địa phương với tỷ trọng từ 10% trở lên trong 5 năm liên tục.
Đối với các địa phương không tổ chức riêng Sở Du lịch thì sáp nhập, chuyển chức năng, nhiệm vụ về Sở Văn hóa và Thể thao và đổi tên thành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc được thành lập ở thành phố Hà Nội và TP. HCM có chức năng tham mưu, giúp UBND TP thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc.
Trường hợp thành phố Hà Nội và TP. HCM không tổ chức riêng Sở Quy hoạch - Kiến trúc thì sáp nhập, chuyển chức năng, nhiệm vụ về Sở Xây dựng.