Đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá bán lẻ điện, thóc và gạo

ANTD.VN - Bộ Tài chính vừa đề xuất bỏ nội dung lập quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng điện bán lẻ và thóc, gạo tẻ thường ra khỏi Nghị định hướng dẫn Luật Giá.

Đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá bán lẻ điện, thóc và gạo ảnh 1

Bộ Tài chính đã đề xuất bỏ nội dung lập quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng điện bán lẻ và thóc, gạo tẻ thường

Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá, Bộ Tài chính đã đề xuất bỏ nội dung lập quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng điện bán lẻ và thóc, gạo tẻ thường.

Theo Bộ Tài chính, việc đưa ra đề xuất trên là do hiện nay trong giá điện vẫn còn một số ít chi phí còn treo lại. Gần đây nhất, theo kết quả kiểm tra giá thành điện năm 2014 do Bộ Công Thương công bố, số chi phí chưa hạch toán vào giá thành đến 31-12-2014 do lỗ chênh lệch tỷ giá chưa hạch toán là 1.682,2 tỷ đồng.

Mặt khác, trong thời gian tới, khi thực hiện các cấp độ thị trường cạnh tranh, đặc biệt là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, sẽ đặt ra vấn đề về tính cần thiết, khả thi của một quỹ tài chính dùng để bình ổn giá bán lẻ điện, cũng như tính minh bạch để người dân giám sát, đồng thuận.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Công Thương tham gia ý kiến vào dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, trong đó đã đề xuất đưa mặt hàng điện bán lẻ ra khỏi danh mục hàng hóa được lập quỹ bình ổn giá theo quy định của Luật Giá.

Đối với mặt hàng thóc, gạo tẻ thường, Bộ Tài chính cho biết, hiện giá thóc, gạo tẻ thường đang thực hiện theo cơ chế thị trường và tương đối ổn định. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định mua tạm trữ thóc, gạo nhằm ổn định thị trường, qua đó việc thực hiện chính sách thu mua tạm trữ thóc, gạo đã tác động giữ ổn định mức giá trong nước.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam xây dựng Quỹ Hỗ trợ liên kết sản xuất và xuất khẩu gạo để hỗ trợ cho các chương trình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và nông dân trên toàn quốc.

“Để đảm bảo các cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất, tiêu thụ lúa được triển khai đồng bộ, nhất quán, tránh chồng chéo trong việc thực hiện các đề án, văn bản chỉ đạo của Chính phủ về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, chính sách tiêu thụ cho người sản xuất lúa thì việc lập quỹ bình ốn giá đối với thóc, gạo tẻ thường là không cần thiết”, Bộ Tài chính đánh giá.