Đề án tái cơ cấu kinh tế cần bổ sung nhiều giải pháp

ANTĐ - Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung một số giải pháp về mặt xã hội và bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.
Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã trình bày Tờ trình "Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh".
Theo đó, mục tiêu tổng quát của tái cơ cấu kinh tế đến năm 2020 là: nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; từ đó, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn; tạo tiền đề đưa nền kinh tế nước ta chuyển lên trình độ phát triển cao hơn vào khoảng cuối 2030. 

Tuy nhiên, tái cơ cấu kinh tế có thể phải hi sinh tốc độ tăng trưởng để đổi lấy chất lượng tăng trưởng; tái cơ cấu kinh tế có thể tác động không thuận đến một số nhóm người có liên quan, làm phát sinh một số chi phí xã hội cần được bù đắp. Bên cạnh đó, tái cơ cấu kinh tế có thể sẽ làm cho quy mô đầu tư, sản xuất một số ngành, một số vùng thu hẹp lại; thay vào đó, các vùng, ngành khác có tiềm năng hơn sẽ được mở rộng và phát triển, hệ quả là hàng nghìn dự án đầu tư, nhất là đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, có thể phải đình hoãn; hàng chục nghìn doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể bị thua lỗ; thể chế kinh tế thị trường hiện tại còn ở trình độ thấp, môi trường kinh doanh còn chứa đựng nhiều rủi ro và bất ổn...

Trước những khó khăn trên, đề án đã đưa ra các nhóm giải pháp tái cơ cấu kinh tế, như: Nâng cao chất lượng các quy hoạch, gắn chiến lược với quy hoạch và kế hoạch, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về quy hoạch phát triển; Tái cơ cấu DNNN, đồng thời, nâng cao chất lượng doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài; Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh; Đổi mới chế độ ưu đãi, khuyến khích đầu tư, cơ chế quản lý đầu tư nhằm thu hút và định hướng đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển các ngành, nghề ưu tiên phát triển; Phát huy lợi thế của từng vùng; Đổi mới phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng quy mô sản xuất, tập trung chuyên canh, áp dụng quy trình và kỹ thuật sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sống ở khu vực nông thôn...

Tái cơ cấu kinh tế cần gắn liền với việc phát triển các vấn đề xã hội và môi trường

Giải pháp chưa gắn kết, đồng bộ

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu khi trình bày Báo cáo ý kiến về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế cho biết: Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế nhất trí với những đánh giá thực trạng cơ cấu kinh tế nước ta hiện nay, những tồn tại, yếu kém đã nêu trong Đề án. Tuy nhiên đề nghị cần phân tích làm rõ nguyên nhân do thể chế chưa phù hợp, chính sách chưa đúng, chưa đủ hay đã có chính sách nhưng công tác tổ chức thực hiện chưa tốt. Từ đó, làm cơ sở đề xuất các giải pháp mới phù hợp hơn, vì hầu hết các nguyên nhân nêu trong Đề án không mới, đã tồn tại trong nhiều năm, đã được nhận diện và đã áp dụng nhiều giải pháp để khắc phục nhưng chưa có chuyển biến toàn diện.

Bên cạnh đó, các ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc tính toán chi phí để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là hết sức cần thiết, nhất là trong điều kiện của Việt Nam nguồn lực bị hạn chế. Việc tính toán chi phí này sẽ góp phần xác định những nội dung cần ưu tiên thực hiện, tránh dàn trải, lãng phí. Ngoài ra, phải tính toán về chi phí xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của đất nước… là cần thiết để có giải pháp phù hợp.

Đáng chú ý, Đề án đưa ra 13 nhóm giải pháp chủ yếu, tuy nhiên, theo ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế, các nhóm giải pháp chưa có sự gắn kết với nhau, cũng như chưa thực sự đồng bộ giữa các Đề án tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực và thiếu các giải pháp đối với vấn đề xã hội, môi trường. Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung một số giải pháp về mặt xã hội và bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.

Bên cạnh đó, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế cho rằng, tồn tại lớn là quy hoạch, định hướng còn nặng theo ngành và địa phương phục vụ cho các lợi ích ngắn hạn. Vì thế, quy hoạch tổng thể thường bị điều chỉnh, phá vỡ, hiệu quả đầu tư thấp, cơ cấu chuyển dịch không đúng yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh.

Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung giải pháp phát triển kinh tế vùng phải đồng bộ với việc xây dựng và thực hiện chương trình phát triển các ngành, sản phẩm ưu tiên, hình thành mối liên kết giữa các địa phương trong vùng thông qua liên kết ngành và phát huy lợi thế của kinh tế vùng. 

Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế đồng tình với các giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường nêu trong Đề án. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh, hiện nay mới đang tiến hành quy trình sửa đổi Hiến pháp. Cần cập nhật những tư tưởng, những quy định mới về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường cụ thể trong Đề án. 

Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, đề án chưa nêu bật giải pháp tận dụng thời kỳ “cơ cấu vàng” về dân số như một động lực quan trọng để tăng trưởng kinh tế, cần nâng cao đóng góp của lao động trong tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, phù hợp với từng thời kỳ.

Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung giải pháp cho vấn đề này, đồng thời nhấn mạnh giải pháp tạo liên kết chặt chẽ giữa quy hoạch các khu kinh tế, vùng kinh tế và quy hoạch các trung tâm dạy nghề, các cơ sở giáo dục và đào tạo phù hợp với tập quán, văn hóa - xã hội của từng địa phương.

Tại kỳ họp này, đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế sẽ được thảo luận tại tổ và hội trường, phiên thảo luận toàn thể sẽ được truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.