ĐBQH ủng hộ việc ra quyết định lịch sử về thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương

ANTD.VN - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, việc xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương là sự kiện có tính lịch sử, đây sẽ là thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại Quốc hội

Chiều 21-11, thảo luận tại Quốc hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, hầu hết ĐBQH đồng tình với chủ trương này. Theo tờ trình của Chính phủ, sẽ thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương bao gồm toàn bộ quy mô diện tích và dân số hiện tại của tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, hiện tại cả tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích để thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương đều đáp ứng yêu cầu. Về sự cần thiết, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đảm bảo các điều kiện là trung tâm, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, bảo đảm yêu cầu về quốc phòng an ninh, văn hóa lịch sử.

Tuy vậy, đại biểu Tiến góp ý, hiện tại, tỉnh Thừa Thiên Huế có thành phố Huế, nếu lấy tên là thành phố Huế trực thuộc Trung ương thì rất dễ nhầm với thành phố Huế hiện tại và cũng không bao quát hết phạm vi của tỉnh Thừa Thiên Huế. Do đó đại biểu đề xuất tên gọi là thành phố Thừa Thiên Huế.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đánh giá, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế thể hiện sự đổi mới quan trọng về phát triển đô thị, góp phần thực hiện chủ trương phát triển đô thị theo hướng xanh, văn minh, giàu bản sắc.

Ông đề nghị Trung ương quan tâm nhiều hơn về nguồn lực để thành phố Huế có thể vươn xa hơn về kinh tế - xã hội, nhất là đô thị đặc thù của Cố đô…

Hầu hết ĐBQH ủng hộ thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương

Phát biểu làm rõ hơn ý kiến các ĐBQH vào cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, việc xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương là sự kiện có tính lịch sử. Nếu được thông qua, đây là thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam.

Về các vấn đề cụ thể, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, khi xây dựng đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương phải thực hiện mục tiêu tích hợp, đồng bộ với việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Trong đó, có việc sắp xếp 4 đơn vị hành chính cấp huyện và 21 đơn vị hành chính cấp xã.

Sau sắp xếp, thành lập, thành phố Huế trực thuộc Trung ương có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 2 quận, 3 thị xã, 4 huyện, 133 đơn vị hành chính cấp xã.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà tán thành cao các ý kiến góp ý về việc phải có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để Huế phát triển nhanh, bền vững.

Bà cho biết, sau khi sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 38/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, các cơ quan liên quan sẽ tham mưu để Quốc hội ban hành nghị quyết mới với những cơ chế, chính sách vượt trội hơn, toàn diện hơn để bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa...

Cũng trong chiều nay, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng. Đa số ĐBQH tán thành với sự cần thiết tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng như tờ trình của Chính phủ, chỉ góp ý về tên gọi một số thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng.