ĐBQH: Phải đưa sách giáo khoa vào danh mục quản lý giá nhằm đảm bảo quyền lợi của học sinh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tham gia tranh luận tại phiên họp Quốc hội sáng 2-6 về vấn đề sách giáo khoa, đại biểu Thái Văn Thành (đoàn Nghệ An) cho rằng phải đưa sách giáo khoa vào danh mục quản lý giá nhằm đảm bảo quyền lợi của học sinh đồng thời đề xuất nhân rộng mô hình thư viện sách giáo khoa.

Phải đưa sách giáo khoa vào danh mục quản lý giá

Đại biểu Thái Văn Thành nhận định, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo ngành giáo dục, các cơ sở giáo dục, nhà trường triển khai một cách đồng bộ, bài bản, khoa học, chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Chương trình hướng vào mục tiêu phát triển toàn diện nhân cách học sinh, hình thành và phát triển kỹ năng hiện đại như là tin học, ngoại ngữ cho học sinh. Đặc biệt là tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, giá trị sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho quê hương, đất nước và xây dựng xã hội phồn vinh, hạnh phúc.

Tại phiên thảo luận 1-6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin là đang trình Chính phủ để định khung giá sách giáo khoa. Đại biểu Thành bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng là phải đưa sách giáo khoa vào danh mục quản lý giá nhằm đảm bảo quyền lợi của học sinh và phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay của người dân.

Đại biểu Thái Văn Thành (đoàn Nghệ An) phát biểu tranh luận

Đại biểu Thái Văn Thành (đoàn Nghệ An) phát biểu tranh luận

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nhà trường tăng cường công tác truyền thông rộng rãi trong nhân dân để phụ huynh, học sinh hiểu về hai loại sách giáo khoa. Thứ nhất là sách giáo khoa, đó là sách bắt buộc học sinh có đi học. Thứ hai là sách bổ trợ, tham khảo, loại sách này tuỳ thuộc vào điều kiện, nhu cầu của học sinh, phụ huynh nên không bắt buộc phải mua.

Lấy ví dụ thực tiễn tại địa phương, đại biểu Thái Văn Thành cho biết, ngành giáo dục tại địa phương đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng mô hình thư viện sách giáo khoa trên phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm, tỉnh sẽ dành một phần kinh phí để trang bị sách giáo khoa cho nhà trường. Cùng với đó, kêu gọi, huy động doanh nghiệp, các nhà xuất bản sách giáo khoa cho nhà trường, kêu gọi học sinh khóa trước học xong tặng lại sách để xây dựng thư viện sách giáo khoa. Việc làm này giúp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có sách để học và sách dùng nhiều lần sẽ tránh được lãng phí.

Qua đó, đại biểu Thái Văn Thành đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nhân rộng mô hình này trong các địa phương trên cả nước để hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có sách để học.

Cần quản lý, giám sát chặt chẽ thị trường chứng khoán

Góp ý tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) khẳng định, từ đầu năm đến nay được sự thống nhất và cộng đồng, cả cộng đồng doanh nghiệp và người dân và dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sự vào cuộc của các ngành, các cấp nên dịch bệnh kiểm soát đẩy lùi, nền kinh tế đang hồi phục hồi, phát triển, kinh tế vĩ mô ổn định, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp tăng trở lại.

Điều đáng mừng là có trên 30.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động tăng GDP hơn 5%, thu ngân sách cao hơn cùng kỳ, nợ công ở mức thấp, kim ngạch xuất khẩu tăng cao, nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ cho nền kinh tế đời sống, việc làm, an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng, an ninh được giữ vững, góp phần củng cố niềm tin và nhân dân.

Thời gian tới để đạt được mục tiêu đã đề ra, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm thu ngân sách vượt dự toán nhưng dự báo là thiếu bền vững.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phát biểu thảo luận

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phát biểu thảo luận

Theo đại biểu, vừa qua, chúng ta thu nhiều từ dầu thô. Mặt trái của tăng thu từ dầu thô là giá xăng dầu trong nước không ngừng tăng, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống và sản xuất kinh doanh, làm xáo trộn không nhỏ đến sinh hoạt của người lao động. Đại biểu cho rằng việc bình ổn giá xăng dầu trong nước ở mức cho phép là điều cần cho việc phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống sinh hoạt của người dân.

Đại biểu cũng nêu quan điểm, Nghị quyết của Quốc hội sắp xếp, cổ phần hóa, khoán bán, thoái vốn Nhà nước, doanh nghiệp tại các doanh nghiệp đã nhiều năm nay nhưng thực hiện rất chậm, chưa hoàn thành được mục tiêu đề ra. Chính phủ cần có đánh giá cụ thể để thời gian tới quyết liệt đẩy nhanh cổ phần hóa đạt tiến độ.

Cũng tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa góp ý kiến góp phần quản lý tốt hơn nền kinh tế vĩ mô; xuất khẩu hàng hóa; thu ngân sách; quản lý, giám sát chặt chẽ thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp…