ĐBQH: Nhiều bộ ngành, cơ quan chỉ muốn giữ dữ liệu cho riêng mình, cần thiết phải luật hóa

ANTD.VN - Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, các bộ ngành, cơ quan đều có nguồn dữ liệu riêng nhưng nhiều đơn vị không muốn cập nhật vào cơ cở dữ liệu chung, nên phải luật hóa trách nhiệm....

Đoàn ĐBQH Hà Nội thảo luận tổ ở Quốc hội chiều 24-10

Chiều nay, 24-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Dữ liệu và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế. Trong đó, dự án Luật Dữ liệu do Bộ Công an chủ trì xây dựng, được trình Quốc hội lần đầu.

Tại tổ Hà Nội, qua thảo luận, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Luật Dữ liệu và nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của việc hoàn thiện hành lang pháp lý về lĩnh vực này đối với sự phát triển nói chung của đất nước.

ĐBQH Lê Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, qua nghiên cứu, ông đánh giá dự thảo Luật Dữ liệu trình ra Quốc hội đã tương đối đầy đủ về bộ khung, đảm bảo đủ hành lang pháp lý về những điều được làm và không được làm, về các nguyên tắc, về khuyến khích phát triển khoa học công nghệ, về sở hữu trí tuệ….

ĐBQH Lê Quân phát biểu thảo luận

Theo ông Quân, việc hoàn thiện và ban hành dự án Luật Dữ liệu sẽ tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội; ngoài ra còn giúp cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) quan tâm kỹ hơn đến cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia được quy định tại luật này. Cụ thể, dự thảo luật quy định, cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia được Chính phủ xây dựng và quản lý tập trung, thống nhất tại Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh bao gồm là dữ liệu cá nhân, đồng thời quy định rõ dữ liệu nào được khai thác, dữ liệu nào không được phép khai thác.

Dẫn thực trạng các bộ ngành, cơ quan đều có nguồn dữ liệu riêng nhưng nhiều đơn vị “muốn giữ cho mình mà không muốn hoà vào cơ cở dữ liệu chung quốc gia”, đại biểu Cường góp ý dự thảo luật cần quy định rõ về thẩm quyền khai thác, tiếp cận và cung cấp dữ liệu.

Các ĐBQH đoàn Hà Nội tại phiên thảo luận tổ

Tại các tổ thảo luận khác, nhiều ĐBQH cũng quan tâm và nêu quan điểm nhất trí việc quy định về Trung tâm Dữ liệu quốc gia trong Luật Dữ liệu.

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) phân tích, việc luật hóa quy định về Trung tâm Dữ liệu quốc gia là hết sức cần thiết, đây không phải quy định về tổ chức bộ máy mà là quy định về địa vị pháp lý, chức năng nhiệm vụ để đạt hiệu quả cao nhất trong việc xây dựng, quản trị và sử dụng dữ liệu của quốc gia.

Với vai trò, tầm quan trọng của Trung tâm Dữ liệu quốc gia, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị có cơ chế chính sách đặc biệt, đặc thù để thu hút, quan tâm và đào tạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nhiệm vụ này.

Người bệnh BHYT phải được điều trị với chất lượng dịch vụ tốt nhất

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), tham gia phát biểu thảo luận tại đoàn Hà Nội, đại biểu Nguyễn Anh Trí đánh giá cao dự thảo Luật đã điều chỉnh các quy định BHYT có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh. Ông cũng tâm đắc với chính sách phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

“Không nên coi việc khám chữa bệnh theo tuyến bảo hiểm là biện pháp chống quá tải cho hệ thống y tế, mà phải tổ chức lại hệ thống y tế làm sao người dân có thể đến nơi khám, chữa bệnh nhanh nhất, đầy đủ nhất, có thầy giỏi, thuốc tốt; bảo đảm công bằng, bình đẳng trong thụ hưởng bảo hiểm y tế” - đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

Còn tại đoàn TP HCM, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan góp ý, mức đóng BHYT hiện còn thấp, mặt khác các thủ tục thanh toán, chuyển tuyến BHYT còn phức tạp, khiến nhiều người bệnh BHYT “không cảm thấy thoải mái”. Do vậy, bà Lan đề nghị phải tính toán cơ chế tài chính để người dân được khám chữa bệnh với chất lượng dịch vụ y tế tốt nhất khi sử dụng BHYT.