ĐBQH: Nền kinh tế Việt Nam còn thiếu "cá tính trụ cột", lo lạm phát bùng lên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo các ĐBQH Trần Hoàng Ngân, Hoàng Văn Cường... rất cần cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, nhất là khi lạm phát toàn thế giới có nguy cơ bùng lên.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân thảo luận tại Quốc hội

ĐBQH Trần Hoàng Ngân thảo luận tại Quốc hội

Sáng nay, 30-10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Quan tâm đến nội dung này, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho biết, quá trình cơ cấu lại kinh tế Việt Nam được thực hiện nhiều năm, đặc biệt khi bị ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008, 2009. Khi đó, kinh tế nước ta đã bị suy giảm và lạm phát rất cao. Đảng và Nhà nước đã có nhiều nghị quyết liên quan tới quá trình tái cơ cấu.

Trong giai đoạn hiện nay, khi đại dịch gây tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế trong nước và thế giới, ông Ngân khẳng định, cần thiết để cơ cấu lại nền kinh tế.

Vị chuyên gia kinh tế này phân tích, nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên sẽ bị tác động nhiều chiều. Thế giới vừa qua tôn nhiều gói kích cầu kinh tế làm tăng tổng cầu, bên cạnh đó việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu làm giá cả leo thang, lạm phát thế giới bùng lên, trong đó có giá xăng dầu. Từ đó có thể tác động đến lạm phát ở Việt Nam.

Đặc biệt, các chi phí, dự toán trong kế hoạch đầu tư của chúng ta có thể thay đổi. Vì vậy, Chính phủ cần có kịch bản ứng phó, không để kinh tế vĩ mô ảnh hưởng.

Về các nội dung cụ thể, ĐBQH Trần Hoàng Ngân kiến nghị Chính phủ sớm xem xét can thiệp, hỗ trợ, bình ổn giá xăng dầu vì hiện giá mặt hàng này tăng rất nhanh. Về phân bổ vốn đầu tư, cần thực hiện theo đúng mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, ưu tiên phân bổ vốn cho linh hoạt hơn liên kết vùng, liên kết ngành, hạ tầng chuyển đổi số, kinh tế số… thúc đẩy đổi mới sáng tạo...

ĐBQH Hoàng Văn Cường thảo luận tại Quốc hội

ĐBQH Hoàng Văn Cường thảo luận tại Quốc hội

Cũng qua thảo luận tại Quốc hội, có một số ý kiến cho rằng không cần có riêng kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Tranh luận lại với quan điểm trên, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, cơ cấu lại nền kinh tế là vấn đề thực sự cần thiết.

ĐBQH chỉ ra 3 nguyên nhân. Thứ nhất, hiện phân bổ nội tại của kinh tế Việt Nam đang mất cân đối. Cụ thể như vốn trong doanh nghiệp Nhà nước chiếm giữ lớn nhưng không hiệu quả trong khi tư nhân không tiếp cận được; các vùng kinh tế ven biển nhiều tiềm năng nhưng chưa được quan tâm…

Thứ hai, kinh tế Việt đang thiếu các cá tính trụ cột để phát triển tự chủ, bền vững. Kinh tế nước ta phụ thuộc chủ yếu bằng FDA, đến từ bên ngoài. “50% ta đang đi tăng trưởng hộ các nước khác dẫn tới năng suất lao động thấp… do đó cần thiết phải thay đổi phân công chuỗi giá trị này” - ĐB Cường nhấn mạnh.

Thứ ba, tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc cách mạng 4.0 đòi hỏi phải thay đổi trong tư duy kinh tế. "Chẳng hạn, trong lĩnh vực giáo dục, dù Việt Nam luôn muốn đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0 song hiện vẫn đang sử dụng các phần mềm trực tuyến của nước ngoài như Zoom, Team, trong khi chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ được nếu đặt hàng từ tập đoàn, đơn vị trong nước" - PGS.TS Hoàng Văn Cường phân tích.

"Hay vận tải đường sắt đô thị là rất cần thiết, vì chúng ta có nhiều đô thị lớn, trục giao thông Bắc – Nam… song Việt Nam vẫn đang phải thuê nước ngoài và nảy sinh hàng loạt vấn đề phức tạp. Vậy, có nên chăng, chúng ta cần xây dựng những ngành nghề chủ lực như trên?" - ĐB Cường gợi mở thêm.

Ngoài ra, tại phiên thảo luận, một số ĐBQH đề nghị, trong cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước, cần sớm cơ cấu lại ngành đường sắt, điện lực...