- ĐBQH: Không sửa luật chứng khoán, rất khó để đặt niềm tin khi mang tiền cho người khác tiêu
- Hà Nội: Gỡ nút thắt để quản lý và sử dụng tài sản công hiệu quả
Trong phiên họp sáng nay, 7-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật gồm: Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Các chính sách lớn khi đề xuất sửa đổi, bổ sung tại Dự án luật này tập trung giải quyết những vướng mắc trong cơ chế chia sẻ, phân bổ, huy động nguồn lực ngân sách nhà nước, tài sản công nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước cho tăng trưởng kinh tế. Các nội dung này được thể hiện ở việc sửa Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Đồng thời, việc sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Kế toán nhằm tập trung chính sách nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các cấp.
Cùng với đó, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất sửa Luật Quản lý thuế nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp quản lý chặt chẽ nguồn thu, mở rộng cơ sở thu để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và đảm bảo sự công bằng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.
Đề xuất các chính sách hướng tới đảm bảo tính công khai, minh bạch, thuận lợi để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, quyền tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, thu hút các nguồn lực của nhà đầu tư trong và ngoài nước, đảm bảo phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán một cách bền vững… Những nội dung này thể hiện trong việc sửa Luật Chứng khoán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Kế toán…
Tham gia thảo luận, đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hoà) thống nhất với sự cần thiết sửa đổi bổ sung 7 luật nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, bất cập, tạo động lực cho sự phát triển…
Đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hoà) phát biểu |
Cho ý kiến về Luật Kiểm toán độc lập, đại biểu Lê Xuân Thân phân tích, tại Điều 60 dự án Luật quy định về xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập, Ban soạn thảo đưa ra mức phạt tiền vi phạm hành chính, bổ sung quy định thời hiệu xử phạt là 5 năm. Điều này không tương thích với điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính (thời hiệu là 1 năm trừ các trường hợp vi phạm về phí, lệ phí, kiểm toán…là 2 năm). Theo đại biểu, đây là luật chung nên các Luật khác phải tuân theo. Do đó, đại biểu đề nghị đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, điều chỉnh quy định này để đảm bảo tính tương thích.
Cũng theo đại biểu, cần xem xét sửa đổi điều 61 về giải quyết tranh chấp kiểm toán độc lập để thích ứng với quy định mới: Trường hợp hoà giải không thành thì các bên có quyền khởi kiện tại toà án hoặc trọng tài thương mại theo quy định của pháp luật. Điều này mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong giải quyết tranh chấp.
Thảo luận về việc sửa Luật Chứng khoán, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thuỷ (đoàn Bình Định) nêu rõ, với quy định chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp, chỉ nên cho phép nhà đầu tư chuyên nghiệp thực hiện, nhà đầu tư cá nhân chỉ được chuyển nhượng trái phiếu riêng lẻ.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cần rà soát các hành vi được coi là thao túng thị trường chứng khoán, quy định về thời hạn công bố thông tin, nâng cao mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm để đảm bảo tính răn đe như phạt cao hơn gấp nhiều lần so với số lợi thu được.