ĐBQH đề xuất quy định chặt hơn về giá quyền khai thác khoáng sản để tránh thất thoát

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo ĐBQH Trần Hữu Hậu, liên quan việc định giá quyền khai thác khoáng sản đã xảy ra nhiều vi phạm, không ít cán bộ các cấp bị kỷ luật, vướng vào vòng lao lý...
ĐBQH Trần Hữu Hậu

ĐBQH Trần Hữu Hậu

Chiều nay, 28-6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Địa chất và khoáng sản.

Đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) cho rằng, khoáng sản là tài nguyên quý giá của đất nước. Hầu hết khoáng sản không thể tái tạo, bồi đắp, đòi hỏi phải được quản lý khai thác, sử dụng tiết kiệm hiệu quả. Tuy vậy, thực tế hiện nay, việc sử dụng và khai thác vẫn còn nhiều bất cập, kể cả tiêu cực, gây thất thoát tài sản của nhà nước.

Về giải pháp, đại biểu Hậu đề xuất, dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản cần bổ sung một điều về định giá quyền khai thác khoáng sản. Thực tế nhiều năm qua cho thấy việc định giá tài sản và định giá quyền sử dụng đất để đưa vào góp vốn dù đã có quy định nhưng vẫn xảy ra nhiều vi phạm, không ít cán bộ các cấp bị kỷ luật, vào vòng lao lý vì việc này.

Theo ông Hậu, cần nghiên cứu quy định chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch để ngăn chặn các hành vi vi phạm, tiêu cực, bởi "khoáng sản là miếng mỡ ngon đặt trước miệng mèo”.

ĐBQH Nguyễn Hữu Thông phát biểu thảo luận

ĐBQH Nguyễn Hữu Thông phát biểu thảo luận

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận quan tâm góp ý vào quy định tại Điều 103 của dự thảo luật, về phương pháp xác định, phương thức thu, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Theo đại biểu Thông, việc tính tiền theo trữ lượng khoáng sản như hiện nay không đảm bảo chính xác. Thực tế cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp khi trúng thầu thường khai thác nhiều hơn trữ lượng cấp phép dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước. Mặt khác cũng có thể xảy ra các rủi ro cho tổ chức, cá nhân khi bị thanh tra, kiểm tra, điều tra…

Vì vậy, đại biểu Thông cho rằng, phương án tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế là hợp lý nhất.

ĐBQH Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) bày tỏ băn khoăn về Điều 113 của dự thảo luật quy định về “Thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản”. Ông đề nghị, cần phải có quy định về trình tự và thủ tục báo cáo, việc bồi hoàn cho dự án khi phải dừng hoặc chấm dứt đầu tư.

Về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản, Điều 15 dự thảo luật quy định "Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức lập, trình quy hoạch khoáng sản nhóm I và nhóm II”; đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng việc khai thác khoáng sản nhóm I, nhóm II thuộc bộ, ngành nào quản lý, khai thác thì bộ, ngành đó lập quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản và trình phê duyệt sau khi có ý kiến của ngành Tài nguyên và môi trường.