ĐBQH đề nghị bổ sung chính sách đảm bảo quyền công dân đối với nhu cầu sử dụng nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một số đại biểu Quốc hội đã đề nghị bổ sung chính sách đảm bảo quyền công dân đối với nhu cầu sử dụng nước thiết yếu, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt…
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) phát biểu sáng 26-10

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) phát biểu sáng 26-10

Sáng 26-10, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Góp ý về vấn đề nước sinh hoạt, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) cho rằng, công trình cấp nước sinh hoạt phải có phương án bảo vệ bởi vấn đề này liên quan đến an toàn sức khỏe người dân cũng như an ninh nguồn nước, an ninh quốc gia. Do đó, đại biểu đề nghị làm rõ các nội dung cụ thể của của dự thảo Luật về phạm vi, trách nhiệm bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh bày tỏ nhất trí cao với quy định về bổ sung trách nhiệm theo dõi bảo vệ của Bộ Công an đối với các công trình cấp nước có quy mô lớn, nguồn nước khai thác là các nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia (quy định tại Điều 26 dự thảo Luật).

Theo bà Hạnh, dự thảo Luật đã bổ sung quy định tại Khoản 1 Điều 45 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt phải thông báo, cảnh báo về vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; phải giám sát và thực hiện quan trắc, giám sát tự động liên tục, định kỳ chất lượng nguồn nước;… Quy định khá chặt và cũng rất rộng. Hiện nay các nội dung này thực hiện theo quy định của Thông tư 17 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

“Tuy nhiên, qua giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường vừa qua cho thấy có nhiều khó khăn hạn chế trong tổ chức thực hiện. Cần rà soát quy định trách nhiệm chặt chẽ hơn nữa trong các điều luật liên quan, đồng thời cần giao cho Chính phủ quy định cụ thể về thông số quan trắc tự động, tần suất quan trắc định kỳ để giám sát chặt chẽ, biến động chất lượng nguồn nước trước khi đưa vào công trình khai thác” – đại biểu Lý Tiết Hạnh nói.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TP HCM)

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TP HCM)

Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TP HCM) đề nghị bổ sung chính sách đảm bảo quyền công dân đối với nhu cầu sử dụng nước thiết yếu của đời sống vào dự thảo Luật.

Theo bà Châu, từ Điều 41 đến Điều 43 của dự thảo Luật sửa đổi lần này có quy định rõ trách nhiệm nhưng chưa làm rõ việc đảm bảo quyền của công dân đối với nhu cầu sử dụng nước cũng như các tổ chức, cá nhân có quyền khai thác trong điều kiện vi phạm pháp luật. Do đó, đề nghị bổ sung quyền này của công dân và các tổ chức, cá nhân.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa)

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa)

Còn đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) thì đề nghị cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong quản lý tài nguyên nước. Theo đó, Ban soạn thảo dự luật này cần xác định rõ mục tiêu môi trường và xác định chất lượng nguồn nước; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý chất lượng nguồn nước…

Đại biểu Thịnh dẫn chứng, tại điểm 3 Điều 43 dự luật chưa phân định rõ thẩm quyền của hai cơ quan là Bộ Xây dựng và Bộ NN&PTNT, cũng như chưa rõ về cơ chế phối hợp để rà soát và việc khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt. Do đó, đại biểu đề nghị cần tách riêng thẩm quyền của hai Bộ để tránh chồng chéo trong quản lý…

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu

Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết sẽ tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ cặn kẽ để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp.

Nói thêm về việc bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, ông Huy cho biết cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự luật này đã rà soát 48 luật liên quan, trong đó có vấn đề liên quan đến Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật khoáng sản… và sẽ tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.