ĐBQH: 80% vụ bạo lực gia đình được giải quyết theo pháp luật, vậy 20% còn lại theo cách nào nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2025-2030 đặt mục tiêu “phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp”, phấn đấu 80% vụ bạo lực gia đình được giải quyết theo pháp luật...
Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng báo cáo trước Quốc hội

Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng báo cáo trước Quốc hội

Ngày 1-11, Quốc hội thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030.

Bộ trưởng Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Văn Hùng cho biết, chương trình này thực hiện với quy mô cả nước và tại một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

Tổng nguồn lực huy động để thực hiện chương trình giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng. Dự kiến tổng nguồn lực huy động để thực hiện chương trình giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, qua rà soát Chính phủ cân đối được nguồn vốn cho phát triển chương trình. Cụ thể, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình giai đoạn 2025 - 2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương bố trí tối thiểu 77.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng và vốn huy động hợp pháp khác khoảng 15.000 tỷ đồng.

Chương trình được thiết kế 10 nội dung thành phần, gồm: Phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; Thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật; Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa...

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu thảo luận
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu thảo luận

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) quan tâm đến việc “phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp”, trong đó bà bày tỏ băn khoăn khi dự thảo chương trình đề ra chỉ tiêu “phấn đấu hằng năm 80% vụ việc bạo lực gia đình được giải quyết theo quy định của pháp luật”.

“Vậy 20% vụ việc còn lại giải quyết theo cách nào khi không theo quy định của pháp luật hoặc 20% vụ việc bạo lực gia đình còn lại sẽ không được giải quyết” - bà Nga nêu, đồng thời cho rằng phải xem lại chỉ tiêu này.

Xây trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, qua thảo luận, đa số ý kiến ĐBQH đồng tình vì cho rằng việc này sẽ giúp giới thiệu và lan tỏa hình ảnh văn hóa đất nước, con người Việt Nam với quốc tế. Các đại biểu kiến nghị nên có cơ chế đặc biệt để thực hiện.

ĐBQH Trình Lam Sinh phát biểu thảo luận

ĐBQH Trình Lam Sinh phát biểu thảo luận

Góp ý về vấn đề nguồn lực thực hiện chương trình, đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) cho rằng, theo chương trình đưa ra thì tỷ lệ vốn từ ngân sách địa phương thực hiện chương trình là 24%, tức là khoảng trên 30.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2025-2030.

Tuy nhiên, hiện nay theo các báo cáo kinh tế và ngân sách cho thấy còn nhiều tỉnh, thành trong cả nước có nguồn thu chưa đủ cân đối, còn nhận hỗ trợ ngân sách trung ương từ 50% trở lên, nên rất khó khăn cho việc đối ứng với tỷ lệ mà chương trình đã dự toán. Vì thế, đại biểu Sinh đề nghị Chính phủ nghiên cứu thêm về tỷ lệ vốn ngân sách địa phương để thực hiện chương trình…

Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng giải trình các ý kiến ĐBQH cuối phiên thảo luận

Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng giải trình các ý kiến ĐBQH cuối phiên thảo luận

Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài là thực hiện chiến lược đối ngoại văn hóa của Đảng, Nhà nước.

“Tất nhiên, khi làm Chính phủ sẽ hết sức lưu ý, bởi vì không phải muốn là làm được mà phải dựa trên các hiệp định giữa 2 Chính phủ với nhau, dựa trên quan hệ theo nguyên tắc đối đẳng; đồng thời chúng ta phải ưu tiên các quốc gia Việt Nam có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng cho biết, hướng tới Chính phủ sẽ lựa chọn từ 3 - 5 trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài cần thiết phải được ưu tiên theo thứ tự.

Với băn khoăn của các ĐBQH về nguồn vốn ngân sách địa phương đối ứng để thực hiện chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết sẽ không cào bằng tất cả các địa phương.

“Không phải địa phương nào cũng 24%, mà đây là con số tính chung cho toàn quốc. Ví dụ như Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng là những cơ sở cân đối được ngân sách bỏ ra rất nhiều để làm các nội dung này. Khi phân bổ Chính phủ sẽ tính toán theo tiêu chí, không phải là tất cả đều 24%” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Tin cùng chuyên mục