Đẩy nhanh tái cơ cấu và xử lý nợ xấu

ANTĐ - Vấn đề xử lý nợ xấu được xem là “món nợ” của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm 2012, theo các chuyên gia trong năm 2013 cần đẩy nhanh hơn nữa quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, khẩn trương xử lý nợ xấu và sớm đưa lãi suất về đúng quy luật thị trường. 
Các chuyên gia cho rằng cần sớm đưa lãi suất trở về quy luật thị trường

Xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém

Đánh giá tại Báo cáo Bức tranh toàn cảnh ngân hàng 2012 và khuyến nghị 2013 của Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng - Học viện Ngân hàng cho biết, việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2012 của NHNN đã đạt được một số thành công. Đó là kiềm chế lạm phát ở mức thấp (6,81%), tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, lãi suất cho vay giảm mạnh, chính sách chống đô-la hóa và vàng hóa được thực hiện triệt để, công tác thanh tra giám sát và minh bạch thông tin, đồng vốn tín dụng đã đưa vào sản xuất và bước đầu triển khai tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Đồng tình với đánh giá này, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ quốc gia cho rằng: “Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, niềm tin người dân suy giảm thì những kết quả mà chính sách điều hành tiền tệ đạt được là một nỗ lực lớn”.

Bên cạnh những việc đã làm được, Báo cáo cũng chỉ ra những vấn đề lớn mà  hệ thống ngân hàng Việt Nam cần tìm cách khắc phục và giải quyết. Đó là vấn đề nợ xấu, là việc tăng trưởng tín dụng bị thu hẹp, tỷ lệ vốn tự có/tổng tài sản của các ngân hàng Việt Nam đang ở mức thấp và những rủi ro từ sở hữu chéo ngân hàng.

“Cần nghiêm túc nhìn lại nhiều vấn đề, đặc biệt là nợ xấu. Phần lớn nợ xấu tập trung vào một số ngân hàng thương mại, thậm chí có những ngân hàng nợ xấu lên đến 40%. Hiện, chúng ta đang vướng từ 4-6 ngân hàng nhỏ, không đủ khả năng vay trên thị trường liên ngân hàng nên buộc phải huy động từ thị trường dân cư bằng mọi giá. Bởi vậy, cần thiết phải xử lý gọn và nhanh số ngân hàng này, nếu không việc xử lý nợ xấu sẽ càng thêm khó”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp của HĐQT Ngân hàng BIDV cũng cho rằng: “Năm 2012, Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu được nói đến nhiều. Tuy nhiên quá trình thực hiện và hiệu quả đạt được vẫn chưa cao, bởi vậy, chính sách tiền tệ năm 2012 phải đẩy nhanh việc thực hiện”.

Trả lãi suất cho thị trường

Từ việc nhận định những khó khăn mà hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp sẽ gặp phải trong năm 2013, các chuyên gia cho rằng cần phải tiếp tục kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Chính sách tiền tệ theo đó cũng phải hướng đến tự do hóa lãi suất, đưa lãi suất về đúng quy luật thị trường.

Ông Phạm Xuân Hòe - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (NHNN) chỉ rõ: “Năm 2013 nổi lên một số điểm thách thức cho công tác điều hành chính sách tiền tệ. NHNN cũng như hệ thống ngân hàng thương mại phải kiên quyết xử lý nợ xấu và cung ứng tín dụng một cách hợp lý để hỗ trợ tăng trưởng. Lộ trình giảm lãi suất sẽ theo hướng tính đến việc đưa lãi suất về đúng góc độ thị trường”. 

TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng: “Việc áp dụng các biện pháp hành chính là cần nhưng không phải quá lâu. Đặc biệt, câu chuyện áp trần lãi suất cho vay đang được tính đến, thêm một biện pháp hành chính không giải quyết được vấn đề, mà nếu làm được thì chi phí sẽ rất lớn”. 

Đánh giá cao sự thận trọng của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2012, TS. Vũ Đình Ánh cũng chỉ ra rằng: “Sang đến năm 2013, cùng với bối cảnh khó khăn về kinh tế thì chắc chắn chính sách tiền tệ sẽ phải linh hoạt hơn nữa trong vấn đề hỗ trợ để chống suy giảm kinh tế”.