Đẩy nhanh số hóa dữ liệu để sớm có tiện ích phục vụ nhân dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh chỉ đạo cần phải số hóa cơ sở dữ liệu nhanh hơn nữa để tạo nền tảng thông minh từ đó ra các ứng dụng, phần mềm, ra các tiện ích phục vụ nhân dân.

Khẩn trương hoàn thành cơ sở dữ liệu chuyên ngành

Thông tin từ Ban chỉ đạo 06 TP Hà Nội cho biết, thời gian qua thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành tập trung thực hiện việc số hóa, cập nhật dữ liệu hướng đến xây dựng, hình thành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của thành phố; phục vụ việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu khác.

Số hóa dữ liệu dân cư sẽ giúp người dân thuận lợi hơn trong thực hiện thủ tục hành chính

Số hóa dữ liệu dân cư sẽ giúp người dân thuận lợi hơn trong thực hiện thủ tục hành chính

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, cập nhật, kết nối, tích hợp, chia sẻ các thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai, xây dựng, nhà ở, lao động, an sinh xã hội và y tế, thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành rà soát, cập nhật các thông tin, dữ liệu thuộc thẩm quyền đơn vị phụ trách để hình thành cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đảm bảo việc kết nối, tích hợp, chia sẻ, khai thác hiệu quả; tổ chức các nhóm công tác đến tận cấp xã để thu thập dữ liệu, trên cơ sở thực tế nhu cầu sử dụng, khai thác dữ liệu của đơn vị và yêu cầu của các bộ, ngành chủ quản gắn với cơ chế thiết lập, cập nhật và chỉnh sửa thông tin…

Cụ thể, hiện Hà Nội đã có 6/30 quận, huyện đã số hóa sổ hộ tịch với tổng số 2.019.819 trường hợp. Hiện thành phố đã giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Văn phòng UBND thành phố và các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện theo đúng hướng dẫn tại Văn bản số 9102 ngày 23-12-2022 của Tổ công tác triển khai Đề án 06/CP.

Các đơn vị trực thuộc Sở Y tế đã phối hợp với công an các cấp và đơn vị liên quan thực hiện đối chiếu, xác thực, cập nhật, bổ sung thông tin trong Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư; cập nhật vào nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia. Toàn thành phố (không tính các bệnh viện cấp bộ, ngành đóng trên địa bàn thành phố) đã ký xác nhận được hơn 15,1 triệu mũi tiêm (đạt tỷ lệ 81%).

Đáng chú ý, Hà Nội đã có 4.734.188 người có thẻ BHYT được đồng bộ, xác thực dữ liệu với CCCD, có thể sử dụng CCCD để đi khám chữa bệnh; có 586 cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã áp dụng sử dụng CCCD tra cứu khám chữa bệnh; 237.177 lượt công dân sử dụng CCCD để tra cứu khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh. Thành phố cũng đã thực hiện việc cập nhật, chuẩn hóa và làm sạch đối với 2 nhóm đối tượng bảo trợ xã hội và trẻ em.

Đối với các đối tượng người có công và đối tượng khác thuộc quản lý của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đang tiếp tục phối hợp với Công an thành phố để thực hiện. Đối với dữ liệu về bảo trợ xã hội, tính đến ngày 14-12-2022 đã có 199.175 đối tượng bảo trợ xã hội của thành phố được thực hiện chuẩn hóa vào hệ thống Cơ sở Dữ liệu bảo trợ xã hội

Ngoài ra, thành phố đã hoàn thành việc số hóa, tạo lập các cơ sở dữ liệu như: Đăng ký xe; thông tin phạm nhân; dữ liệu công nhân tại các khu công nghiệp; dữ liệu hội viên của các hội, đoàn thể trên địa bàn. Đối với nhóm dữ liệu đất đai, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành xây dựng và đang quản lý, sử dụng Cơ sở Dữ liệu đất đai 3 huyện (Đan Phượng, Quốc Oai, Ứng Hòa) trên phần mềm VILIS 2.0 (nhóm dữ liệu địa chính gồm 67 trường dữ liệu) gồm hệ thống bản đồ số, hồ sơ thuộc tính, hồ sơ quét theo quy định tại Thông tư số 17/2010/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có thể sử dụng kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu các huyện này lên hệ thống Cơ sở Dữ liệu đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường khi có yêu cầu.

Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương hoàn thiện xây dựng Cơ sở Dữ liệu đất đai (nhóm dữ liệu địa chính gồm 198 trường dữ liệu) của 27 quận, huyện, thị xã còn lại theo Thông tư số 75/2015/TT-BTNMT và Thông tư số 05/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường…

Đảm bảo dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”

Tuy nhiên, theo Ban chỉ đạo 06 Hà Nội, thành phố đã xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong các ngành, lĩnh vực, nhưng đa số dữ liệu chưa được tập hợp, đối chiếu, rà soát, cập nhật với Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư nên chưa hình thành một bộ dữ liệu lớn, đầy đủ, thống nhất, dẫn đến chưa có công cụ, giải pháp phân tích, thống kê, phục vụ công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành của thành phố. Từ đó, ngay từ tháng 12-2022, UBND TP Hà Nội đã giao UBND quận Hoàn Kiếm và Hoàng Mai là 2 đơn vị thực hiện làm điểm về việc rà soát, số hóa, cập nhật dữ liệu về đất đai, nhà ở, y tế, an sinh xã hội; đối chiếu, xác thực với Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch dữ liệu.

Theo Ban chỉ đạo 06 Hà Nội, với chủ đề năm 2023 được Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chọn là “Năm dữ liệu quốc gia”, Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo việc thu thập dữ liệu, góp phần xây dựng, hoàn thiện các Cơ sở Dữ liệu quốc gia, Cơ sở Dữ liệu chuyên ngành, đảm bảo dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, có kết nối, chia sẻ để phục vụ các nhiệm vụ chung. Hà Nội cũng tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp, xây dựng mô hình điểm để triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06 tại thành phố Hà Nội phục vụ 5 nhóm tiện ích, trong đó ưu tiên việc tổ chức thu thập, xây dựng dữ liệu số trên các lĩnh vực.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng đã chỉ đạo cần phải số hóa cơ sở dữ liệu nhanh hơn nữa để tạo nền tảng thông minh từ đó ra các ứng dụng, phần mềm, ra các tiện ích phục vụ nhân dân. “Việc này phải gắn với trách nhiệm giám đốc, thủ trưởng các sở ngành, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của sở mình, ngành mình. Cơ sở dữ liệu là 1 trong 3 yếu tố quan trọng, nền tảng cốt lõi của chuyển đổi số”…