Đẩy mạnh liên kết vùng: Doanh nghiệp, nhà phân phối không đẩy khó cho nhau

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên kết vùng phải theo hướng kinh tế tri thức, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn…

Đây là quan điểm của ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam đưa ra tại Diễn đàn Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương, do Tạp chí Kinh doanh tổ chức sáng nay, 3/8.

Phải bứt phá khỏi cách làm cũ

Theo ông Thịnh, thời gian qua, liên kết vùng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Kinh tế - xã hội các vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; quy mô kinh tế còn nhỏ, các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỷ lệ thấp, chưa tạo được tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.

Các vùng trên cả nước thiếu các cơ chế, chính sách phát triển liên kết vùng, nhất là trong hợp tác phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng. Sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng mới mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.

Do đó, theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, điều mà chúng ta cần làm trong thời gian tới là phải bứt phá khỏi cách làm cũ, nhất là cần sự kết nối hợp lý, phân bổ, thực hiện đồng bộ, phối hợp, bổ trợ, bổ sung cho nhau.

Liên kết vùng phải theo hướng kinh tế tri thức, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, thúc đẩy sự năng động của các khu công nghiệp theo chiến lược tăng trưởng mới.

Toàn cảnh Diễn đàn Liên kết vùng

Toàn cảnh Diễn đàn Liên kết vùng

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đề xuất để đẩy mạnh liên kết vùng cần tập trung các giải pháp đẩy mạnh liên kết vùng như: hình thành được một hệ thống trung tâm logistics cơ bản hoàn chỉnh, có tính liên kết cao; hỗ trợ các DN tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa để tăng cường kết nối giữa vùng sản xuất và thị trường tiêu thụ…

Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ DN, HTX, hộ nông dân nắm bắt tình hình cung - cầu thị trường, xu hướng tiêu dùng hàng hóa để chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh hướng đến ổn định sản lượng... Duy trì, đẩy mạnh hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa giữa các địa phương, kết nối giữa DN sản xuất, phân phối của các tỉnh, thành phố với nhau.

Cần có chính sách hỗ trợ các đơn vị, HTX để quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa được sản xuất đến người tiêu dùng, các đơn vị phân phối…

Không đẩy khó cho nhau

Ông Trần Mạnh Chiến, CEO chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm chia sẻ, Bác Tôm ưu tiên phân phối sản phẩm hữu cơ, các HTX, đơn vị sản xuất có chứng nhận của Mỹ, Nhật Bản, tuy nhiên, hiện tại, rất hiếm đơn vị của Việt Nam đạt chứng nhận này.

“Bác Tôm mong mỏi và tha thiết đề xuất Nhà nước hỗ trợ xây dựng các chứng nhận chất lượng cho bà con” – đại diện đơn vị phân phối này nói.

Tiêu chí thứ 2 được Bác Tôm đưa ra là các HTX cần phải thông thạo về sử dụng thương mại điện tử, công nghệ thì sẽ được ưu tiên. Cuối cùng, hệ thống này, sẽ ưu tiên sản phẩm của HTX có thương hiệu.

Ở chiều ngược lại, ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc HTX Nông trại xanh Ba Vì (Hà Nội) cho rằng, nếu liên kết mà đẩy cái khó khăn cuối cùng về người nông dân là không tạo ra được “sân chơi” và giá trị thực thụ cho chủ thể liên kết.

Hiện nay, các DN phân phối muốn bán các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nhưng nhà sản xuất chưa biết tiêu chuẩn hữu cơ ra sao, mức độ và yêu cầu như thế nào, DN cần mẫu mã, bao bì sản phẩm như thế nào?

“Vì vậy, chúng tôi là nhà sản xuất rất muốn được là mắt xích, liên kết vùng nhưng chưa có cơ hội giao lưu là những chủ thể đầu ra, muốn gặp được thì làm thế nào, phải tự tìm đến hay cơ quan quản lý tạo ra sân chơi để chúng tôi tiếp cận thông tin và chuyển hướng sản xuất theo yêu cầu nhà bán buôn” – đại diện HTX này nói.

Còn bà Trần Thị Thu Hằng – Tổng giám đốc Công ty XNK Nông sản thực phẩm Việt Nam thì nêu thực tế là tính cam kết của bà con nông dân, HTX rất yếu.

“Điển hình, công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho một số HTX với giá cao gấp đôi so với giá bán trên thị trường, nhưng cứ đến mùa thu hoạch, HTX lại mang hàng tốt đi bán cho các siêu thị, còn hàng loại 2 cung cấp cho công ty…

Chúng tôi rất muốn phân phối hàng hóa cho bà con nông dân nhưng chỉ được vài vụ đầu, người dân thực hiện đúng cam kết. Vì vậy, DN rất khó để liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân”, bà Hằng nói.

Do vậy, theo đại diện các doanh nghiệp, HTX, để đẩy mạnh liên kết vùng cần có bàn tay của nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý.

Về phía cơ quan quản lý, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, ngay trong tháng 8 này, Bộ NN&PTNT sẽ trình Chính phủ đề án phát triển logistic trong vùng nguyên liệu với 3 cấp ở vùng nguyên liệu, thị trường trong nước và xuất khẩu, biên mậu. Logistic bao gồm cả khâu có thể test thử dư lượng, hoàn thiện các sản phẩm, hệ thống kho lạnh. “Nhà nước sẽ tạo ra không gian, dịch vụ, thúc đẩy liên kết vùng”, ông Thịnh cho biết.

Thêm vào đó, Bộ NN&PTNT cũng mở các trung tâm đổi mới sáng tạo, thông tin về vùng, điều kiện sản xuất kinh doanh…

Vấn đề liên kết giữa DN – HTX, DN và nông dân là vấn đề muôn thủa, theo đó ông Thịnh cho rằng nhà sản xuất, bà con nông dân, HTX cần sở hữu sản phẩm buộc DN theo mình. Còn nếu như sở hữu sản phẩm mà DN ở đâu cũng có thì họ không cần.