Đầu tư các quỹ bảo hiểm xã hội tăng trưởng hơn 10%

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2023, tốc độ tăng trưởng đầu tư các quỹ tăng 10,43% so với năm 2022.

Quỹ bảo hiểm xã hội đầu tư vào trái phiếu Chính phủ chiếm trên 80%
Quỹ bảo hiểm xã hội đầu tư vào trái phiếu Chính phủ chiếm trên 80%

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, hiện nay công tác quản lý tài chính, quản lý quỹ bảo hiểm xã hội được thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch, đảm bảo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Cùng với việc tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam còn có chức năng quản lý, đầu tư các quỹ bảo hiểm xã hội, nhằm bảo đảm nguồn quỹ tăng trưởng, an toàn và phát triển bền vững trong dài hạn.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến nay, quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã trở thành quỹ an sinh lớn nhất, được quản lý, sử dụng đúng mục đích, an toàn, bền vững, công khai, minh bạch dưới sự giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội, và các cấp, các ngành.

Quy mô các quỹ tăng qua từng năm. Tốc độ tăng trưởng đầu tư các quỹ năm 2023 tăng 10,43% so với năm 2022.

Cũng trong năm 2023, tổng thu, chi các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là gần 912.000 tỷ đồng, liên quan đến hầu hết người dân, tổ chức và doanh nghiệp, trong đó, tổng số thu các quỹ là hơn 472.000 tỷ đồng, tổng số chi các quỹ là hơn 439.000 tỷ đồng.

Nhờ đó, đã đảm bảo nguồn tiền để thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Bên cạnh việc đảm bảo quyền lợi người tham gia, quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn là nguồn tài chính quan trọng của quốc gia.

Với cơ cấu đầu tư vào trái phiếu Chính phủ chiếm trên 80% tổng dư nợ đầu tư, các quỹ bảo hiểm đã góp phần đáp ứng nhu cầu huy động vốn của ngân sách nhà nước.

Thông qua đó, giúp thực hiện chính sách tài chính vĩ mô, ổn định tài chính quốc gia, cơ cấu lại nợ công, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.