Đấu trộm nước sạch sông Đà có thể bị phạt tù tới 20 năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến vụ đấu trộm nước sạch sông Đà tại Hà Nội được cho là lớn nhất từ trước đến nay, nhiều người đặt câu hỏi, đối tượng thực hiện hành vi này sẽ bị phạt hành chính hay xử lý hình sự?

Như ANTĐ đã phản ánh, cuối tháng 12-2022, trong quá trình cải tạo mạng lưới cấp nước, Công ty CP Viwaco đã phát hiện 1 đường ống nối trái phép từ mạng lưới cấp nước vào nhà hộ dân trên đường Hồ Tùng Mậu, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Theo tính toán sơ bộ của đơn vị này, con số thiệt hại có thể lên tới 1 tỉ đồng. Do vậy, Công ty CP Viwaco đã đề nghị Công an quận Cầu Giấy lập biên bản, ghi nhận hiện trạng vụ việc đấu trộm nước sạch sông Đà.

Phân tích vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc hộ dân sử dụng nước sạch lén lút đấu trộm nguồn nước của Công ty CP Viwaco là trái pháp luật và cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường ống đấu nối trái phép được bàn giao cho cơ quan công an

Đường ống đấu nối trái phép được bàn giao cho cơ quan công an

Để có căn cứ xem xét xử lý hành vi này cần có kết luận định giá tài sản nhằm xác định thiệt hại của Công ty CP Viwaco – đơn vị cung cấp nước.

Về xử lý hành chính, nếu hành vi trên gây thiệt hại dưới 2 triệu đồng, theo điểm a khoản 1 điều 15 Nghị định 144/2021, người đấu trộm nguồn nước sẽ bị xử phạt về hành vi trộm cắp tài sản với mức từ 2 - 3 triệu đồng.

Trường hợp thiệt hại trên 2 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản, đối tượng thực hiện hành vi đấu trộm nước sạch có thể bị xử lý hình sự về Tội trộm cắp tài sản.

Theo Điều 173 BLHS 2015, người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2-dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50-dưới 200 triệu đồng…thì bị phạt tù từ 2-7 năm. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200-dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tù từ 7-15 năm. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12-20 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5-50 triệu đồng.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, nếu cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án song giữa công ty và khách hàng tự thỏa thuận bồi thường với nhau, hoặc công ty đề nghị không truy cứu nữa thì theo Điều 155 Bộ luật TTHS 2015, Tội trộm cắp tài sản không thuộc nhóm tội phải khởi tố theo yêu cầu của bị hại, cũng không thể đình chỉ nếu bị hại rút yêu cầu khởi tố.

Do đó, nếu bên bị hại có đơn xin bãi nại, đề nghị không truy cứu nữa thì đây có thể được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người thực hiện tội phạm.