Đấu tranh với những phát ngôn gây thù ghét bằng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội

ANTD.VN - Việc lên mạng để giao lưu, trao đổi, chia sẻ, bình luận về một vấn đề nào đó đã trở thành thói quen hàng ngày, đem lại niềm vui cho người tham gia mạng xã hội. Tuy nhiên, những năm gần đây, hành vi lợi dụng mạng xã hội để đe dọa, bôi nhọ, mạt sát, miệt thị, phỉ báng người khác đã trở thành một vấn nạn, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân và xã hội. Mạng xã hội vô tình trở thành công cụ miễn phí và vô hình mà bất cứ ai cũng có thể sử dụng để tấn công hay trục lợi từ những phát ngôn truyền bá bạo lực, thù hận.

Chỉ vì một bức ảnh bị đăng trên mạng xã hội, cô gái này đã bị chửi bới, lăng mạ, xúc phạm danh dự, xỉ nhục online suốt ngày đêm. Từ một người vốn năng nổ, hoạt bát, cô đã trở thành người hay tự ti và sống khép kín.

Đây không phải là nạn nhân duy nhất. Theo kết quả một khảo sát của Chương trình Nghiên cứu internet và xã hội thời gian qua, 78% số người được hỏi đều khẳng định từng là nạn nhân của phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội, hoặc có biết những trường hợp tương tự. Các biểu hiện cơ bản là: kỳ thị dân tộc (37,01%); kỳ thị giới tính (29,03%); kỳ thị người khuyết tật (21,76%); kỳ thị tôn giáo (15,09%); vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%) và nói xấu, phỉ báng là phổ biến nhất (61,7%).

Đáng chú ý, thời gian gần đây, một số người nổi tiếng, có độ phủ sóng rộng và có sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng mạng đã lợi dụng mạng xã hội để có những hành vi, lối ứng xử kém văn hóa như dùng lời lẽ thô tục, vô văn hóa trên mạng xã hội để gây sự chú ý nhằm “câu like”, “câu view”, tăng tương tác; sử dụng những thông tin chưa được kiểm chứng để đăng lên trang cá nhân… Việc quá đà trên mạng ảo có thể gây hậu quả thực ngoài đời!

Đã có nhiều người dùng facebook, youtube vi phạm bị xử lý, tuy nhiên, vẫn chỉ như muối bỏ bể. Chính vì thế, ngày 17-6-2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 874 “Về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội”.

Phạm vi và đối tượng áp dụng của Bộ Quy tắc gồm 3 nhóm đối tượng là cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội; tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội; nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam.

4 quy tắc ứng xử chung gồm: 1- Quy tắc Tôn trọng (tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân); 2- Quy tắc Lành mạnh (hành vi, ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam); 3- Quy tắc An toàn, bảo mật thông tin (tuân thủ các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn và bảo mật thông tin; và 4- Quy tắc Trách nhiệm (chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật).

Có thể khẳng định rằng, việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là rất kịp thời, cần thiết, mang ý nghĩa tích cực, hướng tới chuẩn mực chung, tôn trọng pháp luật, nhằm tạo lập “bộ áo giáp” để mọi người dùng mạng xã hội nâng cao trách nhiệm đồng thời có thể tránh được những cạm bẫy, hay sự vi phạm pháp luật.

Việc hạn chế phát ngôn thù ghét thông qua Bộ quy tắc ứng xử cho MXH tuy chưa phải là giải pháp “đủ” nhưng là cần thiết để khuyến cáo, cảnh tỉnh những ai đang có ý định dùng MXH để vu khống, nói xấu, phỉ báng, hạ nhục người khác. Và, cũng sẽ là không thừa nếu như các bộ, ngành chức năng, các tổ chức xã hội phối hợp triển khai những biện pháp mềm mang tính đạo đức, giáo dục cho cư dân mạng. Hơn ai hết, người dùng MXH cần hiểu rằng, hành vi xúc phạm trên MXH có mức “sát thương”gấp nghìn lần, triệu lần mặt đối mặt, vì ở MXH sức lan truyền gần như không giới hạn, thậm chí nó có thể tồn tại lâu dài. Vì vậy, những lời xúc phạm nhau trên MXH sẽ gây tổn thương rất nặng và sâu sắc. Chính vì không nhận thức hết được điều này mà không ít người đã dùng MXH là nơi để trút giận, trả thù thông qua những phát ngôn thù ghét. Và đây chính là lúc đưa công tác giáo dục truyền thông về văn hóa ứng xử MXH lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.